Đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2023.
Mùa báo cáo này ghi nhận 26 doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế trên 1.000 tỷ đồng (hiện ACV và VEAM chưa công bố) so với con số 38 doanh nghiệp của cùng kỳ.
Mặc dù bức tranh tổng thể lợi nhuận toàn thị trường không mấy tích cực nhưng lợi nhuận của câu lạc bộ nghìn tỷ này vẫn khả quan. Cụ thể, tổng lợi nhuận của 26 công ty đã công bố đạt gần 97.500 tỷ đồng, tăng 11.600 tỷ (14%) so với cùng kỳ.
Nhân tố chính kéo lợi nhuận đi lên chủ yếu là Vinhomes, Vingroup và các ngân hàng lớn như VCB hay BIDV.
Trong số 16 doanh nghiệp có lợi nhuận từ 2.000 tỷ trở lên thì có tới 11 ngân hàng, còn lại 5 đại diện của các ngành khác là Vinhomes, Vingroup, PV GAS, Vinamilk và FPT.
Với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 15.000 tỷ đồng trong quý 1, quán quân lợi nhuận gọi tên CTCP Vinhomes (mã: VHM) khi tăng trưởng đến 156% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ các giao dịch bán buôn, đây là mức lợi nhuận ròng kỷ lục mà Vinhomes đạt được trong quý 1 và là mức lãi cao thứ 2 trong lịch sử hoạt động.
Trong nhóm ngân hàng, thứ hạng lần lượt là VCB, BIDV, MB, Vietinbank, Techcombank… Vietcombank vẫn chứng tỏ là thương hiệu dẫn đầu về lợi nhuận trước thuế với hơn 11.200 tỷ đồng.
Trong quý 1, gương mặt ghi nhận pha “bốc đầu” ấn tượng nhất phải kể đến Tổng CTCP Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam – Vocarimex (mã: VOC) khi lợi nhuận tăng đến 676.813%, đạt 1.550 tỷ.
Nguyên do là bởi hồi đầu tháng 1/2023, Vocarimex đã chuyển nhượng 24% cổ phần tại Calofic cho Công ty Siteki Investment PTE Ltd (Siteki) với giá trị chuyển nhượng thỏa thuận là hơn 2.100 tỷ đồng, thu về khoản doanh thu tài chính “khủng”.
Một số “ông lớn” F&B khác như Vinamilk (mã: VNM), Masan Consumer (mã: MCH) cũng báo lãi tăng gần 20%.
“Nhà Vingroup” trải qua quý 1 khởi sắc khi ngoài Vinhomes thì cả Vingroup (mã: VIC) và Vincom Retail (mã: VRE) đều có lợi nhuận tăng trưởng 3 chữ số. Kinh Bắc City (mã: KBC) cũng thuộc nhóm này với lợi nhuận tăng 130% đạt 1.314 tỷ.
Ngược dòng tăng trưởng, gương mặt chứng kiến lợi nhuận suy giảm mạnh nhất là Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB) khi chỉ đạt 2.550 tỷ, giảm đến 77% so với quý 1/2022. Nguyên nhân là năm nay, ngân hàng không còn khoản thu nhập bất thường, trong khi đó chi phí vốn bị đẩy lên, trích lập dự phòng tăng 55% do nợ xấu tăng mạnh.
Á quân lợi nhuận ngành ngân hàng liên tiếp nhiều năm trước – Techcombank – bị lùi vị trí trong bảng xếp hạng do giảm 17% lợi nhuận, còn hơn 5.600 tỷ. SeABank, LienVietPostBank cũng giảm 2 con số.
Xét về tốc độ tăng trưởng, BIDV là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tốt nhất hệ thống (+53%), đạt hơn 6.900 tỷ đồng. Sau một thời gian dồn lực trích lập dự phòng, BIDV đang dần trở lại đường đua lợi nhuận.
Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã: STB) bám sát với mức tăng trưởng lợi nhuận đạt 50%, tương đương lãi hơn 2.300 tỷ đồng.
ACB, SHB, VIB, MBB đồng loạt chứng kiến sự thăng hạng với lợi nhuận quý 1 tăng trưởng 2 chữ số.