CTCP Dược Lâm Đồng (Ladophar, mã chứng khoán LDP) đang có những biến động khá ầm ĩ liên quan đến các nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường công bố mới đây (ngày 20/12/2023).
Thay đổi loạt nhân sự cấp cao
Nội dung đáng chú ý của Nghị quyết là Công ty tiến hành thay hàng loạt nhân sự cấp cao.
Thứ nhất, theo Nghị quyết, LDP đã thống nhất danh sách Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027 gồm 5 người. Trong đó, 2 Thành viên nhiệm kỳ cũ là ông Phạm Trung Kiên và Lê Tiến Thịnh. Còn lại 3 cá nhân mới được bầu bổ sung ông Nguyễn Hồ Hưng, ông Võ Quí Lâm và ông Lê Xuân Thanh.
Đáng chú ý, 2 thành viên được bổ nhiệm mới đều đang nắm vị trí chủ chốt tại CTCP Chứng khoán APG (ông Hưng là Chủ tịch HĐQT Chứng khoán APG và ông Lâm đang là Thành viên HĐQT Chứng khoán APG).
Thứ hai, đại hội cũng thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT đối với bà Lê Thị Minh Thùy; miễn nhiệm vai trò Phó Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT với ông Hà Ngọc Danh; miễn nhiệm vị trí Thành viên HĐQT độc lập với ông Trần Thanh Sang.
Thứ ba, thay mới toàn bộ thành viên Ban Kiểm soát. Trong đó, các thành viên cũ gồm bà Nguyễn Thị Kiều Liên, Huỳnh Thị Kim Oanh, Dương Thanh Bình bị miễn nhiệm. Đại hội bầu bổ sung 3 cá nhân mới là bà Đào Thị Nga (Trưởng Ban kiểm soát); ông Võ Kim Nguyên và bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga.
Ngoài ra, Đại hội còn thống nhất ông Phạm Trung Kiên tiếp tục giữ chức Chủ tịch HĐQT; ông Lê Tiến Thịnh (Thành viên HĐQT) kiêm vị trí Tổng Giám đốc; đồng thời bầu bà Phạm Thị Huyền Trang vào chức vụ Thư ký HĐQT (thay cho bà Nguyễn Trúc Vy bị miễn nhiệm). Song song, Đại hội đã thông qua tờ trình về việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, chào bán cổ phiếu riêng lẻ và chào bán cổ phiếu tăng vốn điều lệ.
Ngay sau khi Nghị quyết được công bố, Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật (nhiệm kỳ cũ) là bà Lê Thị Minh Thùy đã có đơn gửi tới UBCKNN và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, tố cáo hành vi sai phạm trong việc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 của ông Phạm Trung Kiên, Chứng khoán APG – hiện là cổ đông lớn tại LDP và một số cá nhân khác liên quan.
Rắc rối với người đại diện phần vốn góp của Louis Holdings
“Chúng tôi có lý do nghi ngờ tính trung thực, minh bạch, tuân thủ pháp luật của Ban tổ chức ĐHĐCĐ bất thường gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cổ đông”, văn bản do bà Lê Thị Minh Thuỳ ký ghi bao gồm:
(1) Cố ý thông qua tư cách cổ đông tổ chức khi đang có tranh chấp tư cách người đại diện phần vốn góp 51,02% vốn điều lệ của CTCP Louis Holdings tại LDP .
Văn bản phía bà Thùy cho biết, tại cuộc họp xuất hiện 2 cá nhân đại diện vốn góp của Louis Holdings là ông Hồ Đăng Dân – người đại diện theo pháp luật vốn góp của Louis Holdings tại LDP và ông Lê Tiến Thịnh, Chủ tịch HĐQT Louis Holdings.
Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, bà Thùy nhận thấy biên bản họp HĐQT về việc cử ông Thịnh là không đúng quy định. Cụ thể, HĐQT có 5 người nhưng chỉ có 3 người họp, trong đó có bà Lê Thị Minh Thùy nhưng nội dung biểu quyết vẫn ghi nhận 4/4 thành viên tán thành, đạt tỷ lệ 100%.
Cũng theo vị này, trước thời điểm diễn ra cuộc họp đã có sự tranh chấp gay gắt về tư cách đại diện phần vốn góp của cổ đông lớn. Do đó, để việc tổ chức cuộc họp này đảm bảo đúng quy định của pháp luật, Louis Holdings phải có sự thống nhất về người đại diện vốn.
Từng có liên quan chồng chéo song thay đổi nhiều sau khi cựu Chủ tịch Louis Holdings – ông Đỗ Thành Nhân – bị bắt
Louis Holdings vừa trải qua biến động mạnh sau khi nhóm ông Nguyễn Thành Nhân – cựu Chủ tịch HĐQT bị bắt. Hiện, thông tin về Louis Holdings không được cập nhật.
Tuy nhiên, theo Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023 của LDP, Louis Holdings vẫn là công ty mẹ với sở hữu hơn 51% vốn. Song, thông tin về người đại diện hợp phát vốn cổ phần của Louis Holdings tại LDP không được ghi nhận trên các báo cáo.
Đáng chú ý, Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023 của LDP cho thấy, bà Thuỳ xuất hiện với vai trò là Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc tài chính Louis Holdings. Còn ông Lê Tiến Thịnh cũng xuất hiện với vai trò Chủ tịch HĐQT Louis Holdings kiêm Chủ tịch tại CTCP XNK An Giang (Angimex, AGM).
Còn ông Hồ Đăng Dân (1 trong 2 người đại diện theo pháp luật vốn góp của Louis Holdings tại LDP xuất hiện tại ĐHĐCĐ bất thường như văn bản bà Thuỳ ghi), từng là Thành viên HĐQT độc lập tại LDP nhưng đã bị bãi nhiệm hồi tháng 3/2023).
Về phía Chứng khoán APG , Công ty này trước kia thuộc hệ sinh thái Louis Holdings, tuy nhiên sau đó Louis Holdings đã thoái vốn. Năm 2023, Chứng khoán APG liên tục mua vào cổ phiếu LDP. Tại thời điểm 30/6/2023, Chứng khoán APG đang là cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu là 9,47% vốn.
Cần nhấn mạnh, LDP, Angimex và Chứng khoán APG trước kia đều liên quan nhóm Louis Holdings và sở hữu qua lại, cũng như có những giao dịch liên quan chồng chéo. Tuy nhiên, sau khi ông Đỗ Thành Nhân cùng đồng bọn bị bắt điều tra, các bên cũng có những thay đổi đáng kể. Hiện, Angimex không còn sở hữu cổ phần tại LDP.
(2) Chương trình nội dung cuộc họp thực hiện không đúng quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020
Bà Thuỳ dẫn chứng, theo quy định tại Điều 140, Điều 142 Luật Doanh nghiệp 2020: nội dung cuộc họp ĐHĐCĐ phải được chuẩn bị và thông báo cho cổ đông trước khi cuộc họp diễn ra. Tuy nhiên, các nội dung tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 20/12/2023 của LDP không được bổ sung theo quy định mà do các cổ đông này tự đề ra tại phiên họp nhằm kiểm soát hoạt động Công ty, ảnh hưởng đến lợi ích cổ đông không kiểm soát .
“Chủ tịch HĐQT đã đuổi toàn bộ ban kiểm phiếu được HĐQT họp thông qua để thay ông Ngọ Văn Trị và bà Trương Thị Phụng Vy do Chủ tịch HĐQT quy định”, văn bản ghi.
Mặt khác, bà Thuỳ nhấn mạnh ĐHĐCĐ bất thường ngày 20/12/2023 có nội dung rất quan trọng đến hoạt động của LDP gồm: miễn nhiệm, bầu Ban Kiểm soát, HĐQT; bầu Tổng Giám đốc mới; phát hành cổ phiếu riêng lẻ, tăng vốn điều lệ… do đó phải được thực hiện đúng quy định để đảm bảo quyền lợi cổ đông.
“ Tuy nhiên, Chủ tịch đã bỏ qua tranh chấp pháp lý quan trọng liên quan đến tư cách đại diện vốn của Louis Holdings và cố tình cho cuộc họp tiến hành để thông qua các nội dung trên là hành vi trái pháp luật”, bà Thuỳ nói.
Do đó, bà Thuỳ đề nghị UBCKNN và HNX thanh tra rà soát tính hợp pháp của ĐHĐCĐ bất thường ngày 20/12/2023 của LDP.
Kinh doanh sa sút, cổ phiếu đang tăng mạnh
LDP có tiền thân là Xí nghiệp Liên hiệp Dược Lâm Đồng được hình thành từ năm 1982 dựa trên sự sáp nhập hai Công ty Dược liệu và Dược phẩm, trực thuộc Sở Y Tế Lâm Đồng. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất tân dược, đông dược; mua bán thuốc, dược liệu, thiết bị y tế; xuất nhập khẩu thuốc, dược liệu…
Tháng 6/2010, Công ty chính thức niêm yết 1,7 triệu cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội với mã chứng khoán LDP. Vốn điều lệ hiện đạt hơn 127 tỷ đồng.
Về kinh doanh, giai đoạn 2010-2016, LDP lãi đều đặn 20 tỷ đồng/năm. 2015 là năm ghi dấu điểm nhấn của LDP: Công ty đi vào hoạt động nhà máy Đông dược quy mô lớn nhất khu vực Tây Nguyên. Cũng năm này, doanh nghiệp đạt giải vàng chất lượng quốc gia.
Năm 2018, LDP bất ngờ báo lỗ 20 tỷ đồng. Cũng từ giai đoạn này, tình hình kinh doanh của Công ty biến động lên xuống thất thường. Nhiều quý trở lại đây, LDP liên tục thua lỗ. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, LDP lỗ tiếp 10 tỷ đồng sau khi lỗ kỷ lục gần 40 tỷ trong năm 2022. Hệ quả, LDP đã lỗ luỹ kế tính đến 30/9/2023 đến 49 tỷ đồng – chiếm gần một nửa vốn chủ sở hữu.
Tổng tài sản tính đến cuối quý 3/2023 của LDP vào mức 202 tỷ đồng, trong đó Công ty đang nợ 100 tỷ đồng.
Trên thị trường, dù kinh doanh sa sút và có nhiều biến động, song cổ phiếu LDP đang tăng khá mạnh. Chốt phiên 28/12, LDP dừng tại mức 15.800 đồng/cp, tức tăng 34% chỉ sau 2 tuần giao dịch.
Nguồn tin: https://cafef.vn/on-ao-tai-duoc-lam-dong-hau-thoi-ky-louis-holdings-nguoi-cu-to-cao-khi-thay-loat-nhan-su-cap-cao-bau-moi-2-thanh-vien-hdqt-tu-chung-khoan-apg-188231229111333233.chn