Nửa đầu năm, tình hình kinh doanh khó khăn, nhiều nhóm ngành rơi vào thế khó chồng khó. Với ngành xây dựng, gói thầu mới hạn chế, trong khi các gói thầu đang thực hiện bị hoãn lại do những vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản, nhiều công ty trong ngành gần như cạn kiệt dòng tiền.
Thống kê từ báo cáo tài chính các doanh nghiệp xây dựng niêm yết, bức tranh nhìn chung kém sắc. Tại nhóm doanh nghiệp đầu ngành như Coteccons, Ricons…, biên lợi nhuận gộp nửa đầu năm 2023 chỉ ở mức thấp 1 – 2%. CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình giảm hơn một nửa doanh thu và lỗ ròng 711 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp ở nhóm sau như Phục Hưng Holdings, CC1, Licogi 18, Cotana… cũng chịu cảnh lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, Tập đoàn Đua Fat cũng báo lỗ trong quý 2/2023.
Dù vậy, thị trường đang có những điểm sáng rõ nét hơn. Chia sẻ với chúng tôi, đại diện Sika cho biết điểm sáng chính là các dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) và các dự án hạ tầng được Chính phủ Việt Nam phát triển dựa vào việc cải thiện chất lượng giao thông. Cùng với đó, các chính sách đầu tư, các chế độ tiền tệ thuận lợi cho các nhà đầu tư công nghiệp thu hút thêm FDI chảy vào thị trường Việt Nam.
“Đến cuối năm 2023, chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư sẽ tập trung theo sát các diễn biến của thị trường như tình trạng các kênh tái đầu tư, quy trình pháp lý, các chính sách tiền tệ… để đánh giá sự phục hồi của thị trường bất động sản tổng thể. Dự kiến thị trường bất động sản có thể phục hồi không muộn hơn giữa năm 2024 ”, phía Sika nhấn mạnh.
Sika Việt Nam phục vụ thị trường xây dựng ở nhiều phân khúc khác nhau bao gồm Nhà ở, Thương mại, Hạ tầng… Theo quan sát của Sika, nửa đầu năm qua phân khúc chịu ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là các dự án Nhà ở – chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị trường. Theo một số báo cáo mới nhất của các cơ quan nghiên cứu, hiệu suất quý 3 tốt hơn quý trước nhưng động lực phục hồi trong phân khúc này không đáng kể.
Theo vị này, xét đến 3 ngành đóng góp lớn nhất cho GDP bao gồm xây dựng (10,6%), tài chính (8,2%) và bất động sản (3,6%), một khi thị trường bất động sản hồi phục, sẽ tạo ra một lực lượng tích cực để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế tổng thể của Việt Nam từ đó thúc đẩy sự phục hồi của ngành xây dựng và tình hình tài chính một cách tích cực. Ngoài ra, sự phục hồi của cả 3 ngành giải quyết sự mất cân bằng cung-cầu nhà ở, cung cấp lại nhiều cơ hội việc làm lớn và tăng Chỉ số niềm tin tiêu dùng – là một chỉ số quan trọng của nền kinh tế quốc gia.
Được biết, Sika Việt Nam là công ty vốn 100% Thuỵ Sĩ, trực thuộc Tập đoàn Sika AG, bắt đầu phục vụ thị trường Việt Nam từ năm 1993. Sika Việt Nam có 2 nhà máy tại Nhơn Trạch (xây dựng năm 1997) và nhà máy Bắc Ninh (xây dựng năm 2012) cùng hệ thống 80 nhà phân phối phủ khắp trên toàn quốc. Hàng năm Sika cho biết đều đầu tư thêm cho nhà máy của mình để nâng cấp và mở rộng thị trường Việt Nam.
Hiện, Sika là 1 trong 3 công ty dẫn đầu thị trường vật liệu xây dựng cả về giá trị thương hiệu và giá trị thị trường, đặc biệt lĩnh vực chống thấm.