Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã ghi nhận mức tăng nhập khẩu vượt trên 1 tỷ USD từ 5 thị trường/khu vực thị trường so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Trung Quốc đứng đầu với mức tăng mạnh nhất, đạt 20,96 tỷ USD. Kế tiếp là Hàn Quốc với mức tăng 3,36 tỷ USD; ASEAN tăng 3,08 tỷ USD; Đài Loan (Trung Quốc) tăng 1,98 tỷ USD; và Kuwait tăng 1,06 tỷ USD.
Cụ thể, tổng trị giá nhập khẩu từ Trung Quốc trong 7 tháng qua đạt 79,62 tỷ USD, tăng 35,7%, tương đương tăng 20,96 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 37% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Những nhóm hàng nhập khẩu lớn từ Trung Quốc bao gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 19,38 tỷ USD, tăng 62,7% (tương đương tăng 7,47 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 15,74 tỷ USD, tăng 29,2% (tăng 3,56 tỷ USD); và nguyên phụ liệu cho ngành dệt may da giày đạt 8,81 tỷ USD, tăng 23,7% (tăng 1,69 tỷ USD).
Ngoài ra, nhập khẩu điện thoại và linh kiện tăng 31% (tăng 1,09 tỷ USD) đạt 4,62 tỷ USD; nhập khẩu sắt thép các loại đạt 4,15 tỷ USD, tăng 52,4% (tăng 1,43 tỷ USD). Tính chung, trị giá nhập khẩu của 5 nhóm hàng này từ Trung Quốc đạt 52,71 tỷ USD, chiếm 66% tổng trị giá nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Trị giá nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 31,87 tỷ USD, tăng 11,8% (tăng 3,36 tỷ USD); nhập khẩu từ ASEAN đạt 26,5 tỷ USD, tăng 13,1% (tăng 3,08 tỷ USD).
>> TP. Hồ Chí Minh giữ vị trí No.1 về xuất khẩu, kim ngạch đạt 26 tỷ USD
Bên cạnh đó, nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường chủ lực khác cũng tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: nhập khẩu từ Nhật Bản đạt 12,52 tỷ USD, tăng 5,5% (tăng 651 triệu USD); từ Đài Loan (Trung Quốc) đạt 12,37 tỷ USD, tăng 19% (tăng 1,98 tỷ USD); từ EU (27 nước) đạt 9,31 tỷ USD, tăng 10,2% (tăng 861 triệu USD); từ Mỹ đạt 8,46 tỷ USD, tăng 5% (tăng 402 triệu USD); và từ Kuwait đạt 4,59 tỷ USD, tăng 29,8% (tăng 1,05 tỷ USD).
Nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất trong 7 tháng đầu năm 2024 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, với trị giá 59,43 tỷ USD, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 28% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước. Mức nhập khẩu của nhóm hàng này đã vượt qua cả năm 2019.
Nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 26,85 tỷ USD, tăng 16,5% (tăng 3,81 tỷ USD). Nhóm hàng nhiên liệu đạt 16,29 tỷ USD, tăng 13,3% (tăng 1,91 tỷ USD) với tổng khối lượng 56,56 triệu tấn, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước.
Cuối cùng, nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da giày (bao gồm bông, vải, xơ sợi, và nguyên phụ liệu dệt may da giày) đạt 15,67 tỷ USD, tăng 14,4% (tăng 1,69 tỷ USD).
>> Việt Nam nhập khẩu 17.233 ô tô trong tháng 7, mức cao nhất kể từ đầu năm
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/top-5-thi-truong-nhap-khau-cua-viet-nam-tang-truong-t-tren-1-ty-usd-mot-quoc-gia-tang-soc-153349.html