JPMorgan Chase, một trong những hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất trên thế giới vừa đưa ra mức định giá mục tiêu đối với cổ phiếu CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) vào tháng 12/2024 là 102.000 đồng.
Theo quan điểm của JPMorgan, Masan đang tạo dựng được hệ sinh thái tiêu dùng mạnh mẽ, giúp gia tăng thị phần khách hàng. Đồng thời, Masan định vị mình là một trong những đại diện xuất sắc của ngành tiêu dùng Việt Nam. Cùng lúc, hãng dịch vụ tài chính có trụ sở tại New York cũng tỏ ra lạc quan về cơ hội tăng trưởng của bán lẻ hiện đại, ở đó Masan đang dẫn đầu về số lượng điểm bán và tiếp tục mở rộng thị phần.
“Thời điểm vàng” của thương mại hiện đại
JPMorgan cho rằng Việt Nam đang ở “thời điểm vàng” của tăng trưởng tiêu dùng nhanh và thương mại hiện đại, đây là một trong những động cơ thúc đẩy định giá thị trường của các công ty thuộc ngành hàng tiêu dùng trong nhiều năm tới. Mức độ thâm nhập của bán lẻ hiện đại tại Việt Nam còn thấp, khoảng 12% so với các nước thành viên ASEAN từ 20 – 45%.
Masan nổi lên như một trong những công ty hàng đầu lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam, chiếm 24% thị phần bán lẻ hiện đại. Kể từ khi tiếp quản hoạt động kinh doanh bán lẻ từ Vingroup, Masan đã đẩy mạnh tăng thị phần bán lẻ hiện đại đồng thời liên tục cải thiện khả năng sinh lời. Thị phần bán lẻ hiện đại của Masan tăng 7 điểm phần trăm từ năm 2019 đến năm 2022, vượt qua Co-op để chiếm vị trí dẫn đầu. Tỷ suất lợi nhuận EBITDA cuối năm 2022 đạt mức tăng trưởng 10%.
Trở thành công ty lấy người tiêu dùng làm trọng tâm
Một trong những điểm đáng chú ý của Masan được JPMorgan đề cập đến là chiến lược “Point-of-life” nhằm mục đích đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ phù hợp với sự biến đổi không ngừng của hành trình khách hàng, giúp tối đa thị phần của công ty trong chi tiêu người tiêu dùng tới 80%.
Cùng với đó, khi Masan Group bổ sung mảng kinh doanh bán lẻ với WinCommerce, hệ thống phân phối cho sản phẩm của Masan Consumer được tăng cường. JPMorgan cho rằng, sự kết hợp giữa sản xuất sản phẩm cùng kênh phân phối hiện đại sẽ đem lại hiệu quả đáng kể. Minh chứng cho luận điểm này là trường hợp của Berli Jucker sau khi mua lại BigC đã tăng rất mạnh tỷ suất EBIT trong những năm sau đó.
Phân bổ vốn là một chủ đề gây nhiều tranh cãi, do công ty có thể chủ động thay đổi hoạt động thông qua cả mua bán sáp nhập và thoái vốn. JPMorgan cho rằng, những nỗ lực phân bổ vốn gần đây của Masan Group nhằm định hướng rõ ràng hơn việc trở thành một công ty lấy người tiêu dùng làm trọng tâm. Cụ thể, sau những thương vụ M&A ngành hàng tiêu dùng và thoái vốn khỏi mảng thức ăn chăn nuôi năm 2021, tài sản liên quan đến ngành tiêu dùng của Masan Group tăng từ xấp xỉ 30% năm 2015 lên 44% vào năm 2022. Trong khi đó, xét về doanh thu, tỷ trọng liên quan đến người tiêu dùng tăng từ 43% lên 94% trong cùng giai đoạn.
WinCommerce và MEATLife được cho là vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện vòng quay tài sản để tăng thị phần. Cùng với Masan Consumer, đây là ba công ty có thể tăng khả năng sinh thời trong tương lai, theo JPMorgan.
Cơ sở của mức định giá
JPMorgan đã sử dụng phương pháp SOTP (sum-of-the-parts) để đưa ra mức định giá với cổ phiếu Masan Group. SOTP là phương pháp xác định giá trị công ty trong đó mỗi công ty con hoặc bộ phận kinh doanh sẽ được định giá riêng biệt, sau đó cộng lại với nhau.
Theo đó, mức P/E mục tiêu cho năm 2024 là 34 lần và EV/EBITDA 12 lần. Mục tiêu này được hỗ trợ bởi tốc độ tăng trưởng kép hàng năm CAGR 36% giai đoạn 2023 – 2025. So sánh tương đương với trường hợp của BJC TB, tập đoàn có hoạt động kinh doanh tương tự, P/E mục tiêu của Masan Group được JPMorgan đặt ở mức cao hơn do có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cao hơn.
JPMorgan chưa đưa ra bất kỳ chiết khấu định giá nào với Masan Group trong giai đoạn này. Đồng thời, công ty dịch vụ tài chính lưu ý, định giá công ty ở thị trường Việt Nam thường được hỗ trợ tích cực nhờ hoạt động IPO của công ty thành viên. Với Masan Group, công ty đang kế hoạch IPO The CrownX./.