“Vừa rồi trình bày trước các lãnh đạo ngân hàng lớn, tôi nói thẳng là hàng chục ngàn cô gái xinh đẹp đang ngồi ở quầy, được học hành tử tế, có quan hệ tốt sẽ mất việc; hàng chục ngàn bạn trẻ đang làm tín dụng nhỏ và vừa cũng mất việc, bởi tất cả hệ thống scoring (tạm dịch: Chấm điểm tín dụng) và AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ thay thế“, ông Hoàng Nam Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT – chia sẻ tại Đại hội Sales & Marketing toàn quốc (VSMCamp) 2023.
Hàng triệu những người tự tin rằng mình có học, có vị trí sẽ gia nhập “tầng lớp vô dụng”
Yuval Noah Harari là một nhà nghiên cứu lịch sử người Israel, tác giả của cuốn sách “Sapiens – Lược sử loài người”. Năm 2017, trong cuốn sách mới “Homo Deus: A Brief History of Tomorrow”, lần đầu tiên ông dùng từ “Useless Class” – tầng lớp vô dụng.
Harari không dùng từ “Unemployee” – những người thất nghiệp, bởi “Tầng lớp vô dụng” còn thảm hơn thất nghiệp. Họ không chỉ thất nghiệp mà còn không thể dùng vào việc gì (unemployable).
“Đến hôm nay, chúng ta thực sự hiểu được rằng đó là những người không biết làm gì hơn, bị loại khỏi lực lượng lao động. Với tất cả những gì họ được học, kinh nghiệm để trưởng thành, họ cũng không biết làm gì… Và họ tạo ra một tầng lớp Useless Class“, ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ.
Hàng triệu người tự tin rằng mình có học, tự tin ‘chúng ta làm những việc AI không thể thay thế được’, sẽ bị thay thế nhanh nhất!
Ông Hoàng Nam Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT
“Tuy nhiên, chỉ một năm gần đây, chúng ta phát hiện ra rằng “Useless Class” không chỉ gồm các công việc chân tay. Họ không chỉ là 2,7 triệu công nhân Việt Nam làm trong các nhà máy may, da giày, lắp ráp điện tử – những người bị mất việc nhanh chóng trong 5 năm tới bởi vì robot và AI, mà là cả triệu người – những người tự tin rằng mình có học, tự tin ‘chúng ta làm những việc AI không thể thay thế được’, sẽ bị thay thế nhanh nhất”.
Báo cáo Tương lai việc làm (The Future of Jobs Report 2023) của Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF) dự đoán thị trường lao động cơ cấu sẽ mất 23% việc làm trong 5 năm tới. Các nhà tuyển dụng dự báo 69 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra, song song với đó là 83 triệu việc làm sẽ biến mất trong 5 năm tới.
Ông Tiến cũng chia sẻ các dự báo gần đây cho biết: Trong tương lai, rất nhiều lập trình viên có thể bỏ đi mà không ảnh hưởng tới chất lượng, nhân viên văn phòng cũng có thể loại bỏ. Trong đó, ông Tiến cho biết nghề nghiệp có thể loại bỏ nhiều nhân viên nhất là giới marketing.
Làm thế nào để không “vô dụng” và bài học từ “các cụ nhà mình”
Đi tìm lời giải cho câu hỏi “Làm thế nào để sinh tồn với AI?“, để không trở thành người “vô dụng”, ông Tiến gợi ý: “Chúng ta học Tây nhiều thế, tại sao không học các cụ nhà mình?”
“Học các cụ” ông Tiến nói ở đây là cách ứng phó với lũ. Chúng ta không thể “chống lũ“, thì phải học cách “sống chung với lũ”.
Thay vì lựa chọn đắp đê ngăn lũ, bà con đồng bằng sông Cửu Long đối diện với lũ hoàn toàn khác. Lũ mang về phù sa, mang theo tôm cá lấp đầy hồ.
“Chúng ta sợ lũ, chạy lũ, với cá nhân tôi, thì là cơ hội nấu nồi lẩu mắm. Lũ về là chúng ta có tôm cá, lấy bất cứ loại rau gì xung quanh để nấu được nồi lẩu mắm. Đó là cách ứng xử, suy nghĩ hoàn toàn khác nhau giữa việc đắp đê chống lũ và sống chung với lũ“, ông Tiến nói.
“Và giờ chúng ta phải sống chung với AI. Cần nhiều AI để phát triển. Nồi lẩu mắm cần có những con cá ngon, cần 11 loại rau khác nhau, mỗi loại rau như một ứng dụng AI, mỗi một loại cá là những platform cho vào. Hãy biến nó thành cơ hội, biến tất cả những gì tưởng là đe dọa trở thành món ăn của chúng ta. Những ứng dụng AI đã và sẽ có, hãy biến chúng trở thành con sen của chúng ta”.
Để sinh tồn, phát triển và tỏa sáng trong thời đại AI, ông Tiến cho rằng thứ không thể thiếu là phải học tập suốt đời để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Và nếu như truyền thống ngàn xưa là học tập một chiều: Thầy giáo giảng, chúng ta nghe, và cố gắng thể hiện hiểu biết của mình. Thì ngày nay, ông Tiến cho rằng cần học 5 chiều.
Chúng ta cần học từ lãnh đạo, học từ thầy, học từ Guru, học từ đồng nghiệp, bạn bè, học từ các bạn trẻ, tự học, tự nghiên cứu, và cần học cả từ AI.
“Khác với ngày xưa, khi nhắc đến tự học chúng ta hay nói tới học sinh, sinh viên. Còn ngày hôm nay, tất cả các vị đáng kính, các giáo sư, giảng viên, giáo viên, chuyên gia phải là những người học đầu tiên. Đừng nghĩ rằng AI và robot sẽ thay thế lao động chân tay. Điều ngày càng được chứng minh là các thế hệ AI phát triển ngày hôm nay sẽ thay thế những chuyên gia nửa vời“, ông Tiến khẳng định.