Những hoạt động rà soát, chấn chỉnh đã được toàn bộ doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam báo cáo, xin ý kiến trực tiếp với cơ quan quản lý nhà nước.
100% nghiệp đã rà soát, chấn chỉnh
Ngày 19/6, lãnh đạo Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, Bộ Tài chính đã họp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và 100% doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (BHNT) về kết quả thực hiện các nội dung Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm đã yêu cầu các doanh nghiệp rà soát, chấn chỉnh hoạt động (theo công văn số 516A/QLBH-NT ngày 17/4/2023 và công văn số 623/QLBH-NT ngày 09/5/2023 của Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm).
Tại cuộc họp, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp BHNT đã báo cáo kết quả thực hiện các nội dung theo yêu cầu của Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm về hoạt động nghiệp vụ và kiểm soát chất lượng hoạt động đại lý.
Thông tin từ các doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, trước khi diễn ra cuộc họp, 19/19 (đạt tỷ lệ 100%) doanh nghiệp BHNT đã gửi báo cáo tới Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm về kết quả của việc thực hiện rà soát hợp đồng đại lý bảo hiểm và tăng cường kiểm soát hoạt động của các đại lý, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, đặc biệt là sau sự việc diễn ra tại ngân hàng SCB tháng 10/2022, ảnh hưởng đến nhiều khách hàng và sự cố hợp đồng bảo hiểm liên quan đến một nữ diễn viên hồi tháng 4 năm nay.
Theo đó, nhằm tiếp tục tăng cường kiểm soát chất lượng hoạt động của đại lý bảo hiểm, đảm bảo hoạt động đại lý bảo hiểm tuân thủ đúng quy định của Luật Kinh doanh Bảo hiểm, các doanh nghiệp đã thực hiện rà soát các hợp đồng đại lý bảo hiểm đã ký với các tổ chức, cá nhân, đảm bảo hoạt động đại lý được uỷ quyền trong hợp đồng phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 4 Luật Kinh doanh Bảo hiểm.
Các doanh nghiệp bảo hiểm đã rà soát lại, kiểm soát hoạt động của tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm, bảo đảm đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 125 Luật Kinh doanh Bảo hiểm. Trong đó, đặc biệt lưu ý điều kiện đối với tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm phải có nhân viên trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đáp ứng các điều kiện quy định.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng không ngừng kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu sản phẩm bảo hiểm của nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý theo quy định. Đồng thời, rà soát, tổ chức đào tạo và cập nhật kiến thức cho nhân viên trực tiếp thực hiện hoạt động tại các đại lý bảo hiểm theo quy định của Luật Kinh doanh Bảo hiểm.
5 giải pháp minh bạch hoá thị trường bảo hiểm
Cụ thể, 5 giải pháp nhằm minh bạch hoá thị trường bảo hiểm, đưa bảo hiểm nhân thọ phát triển lành mạnh, bền vững đã được Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp tập trung thực hiện bao gồm:
Thứ nhất, Hiệp hội và các doanh nghiệp bảo hiểm đã rà soát lại tổng thể quy trình bán hàng, quy trình dịch vụ khách hàng, hợp đồng đại lý bảo hiểm nhằm bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật.
Hiện tất cả các doanh nghiệp đều đã có báo cáo gửi Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm về kết quả rà soát quy trình bán hàng, thẩm định bảo hiểm, chăm sóc khách hàng, rà soát hợp đồng đại lý bảo hiểm và tăng cường kiểm soát hoạt động của các đại lý.
Thứ hai, Hiệp hội và các doanh nghiệp bảo hiểm đã rà soát toàn bộ công tác đào tạo đại lý bảo hiểm đảm bảo tuân thủ đúng chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm đã đăng ký với Bộ Tài chính; có hình thức đào tạo bổ sung, cập nhật kiến thức phù hợp đối với các đại lý bảo hiểm mà doanh nghiệp đã thực hiện đào tạo dưới hình thức trực tuyến trong giai đoạn vừa qua.
Thứ ba, tăng cường, bổ sung các chế tài xử phạt đại lý bảo hiểm trong trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên trực tiếp hoạt động đại lý bảo hiểm trong tổ chức hoạt động đại lý vi phạm nguyên tắc hoạt động đại lý và các nghĩa vụ của đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật và hợp đồng đại lý bảo hiểm đã ký kết; xử lý nghiêm đối với các đại lý, tổ chức đại lý khi có hành vi vi phạm.
Thứ tư, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong việc cung cấp các thông tin khách quan, trung thực có liên quan. Có kế hoạch truyền thông phù hợp và kịp thời về sản phẩm bảo hiểm và hoạt động của doanh nghiệp. Hiệp hội và các doanh nghiệp tăng cường xây dựng và thực hiện kế hoạch truyền thông tổng thể về thị trường bảo hiểm nhân thọ, sản phẩm bảo hiểm. Tăng cường công tác truyền thông nhằm giúp khách hàng hiểu rõ hơn về sản phẩm bảo hiểm, đồng thời cải tiến chất lượng, hình thức tiếp cận để giúp bảo hiểm trở nên đơn giản, dễ hiểu hơn với người dân.
Thứ năm, việc rà soát quản lý chất lượng đào tạo đại lý. Các doanh nghiệp đã thực hiện đào tạo bổ sung cho lực lượng đại lý, đặc biệt là cho giai đoạn Covid chỉ đào tạo online.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp đang khẩn trương rà soát để sửa đổi bổ sung bộ quy tắc ứng xử dành cho đại lý bảo hiểm áp dụng chung cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Có chế tài xử phạt nghiêm trong trường hợp vi phạm.
Chia sẻ về những hoạt động của ngành bảo hiểm nhằm rà soát, chấn chỉnh, nâng cao công tác quản lý chất lượng hoạt động của các đại lý, ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết: Sự cố thời gian qua của ngành BHNT đã khiến lần đầu tiên tất cả các doanh nghiệp BHNT cùng hành động, cùng rà soát, điều chỉnh thậm chí chấn chỉnh nội dung hoạt động, quy trình… Nhiều bài học, kinh nghiệm từ các bài học trên thế giới cũng được mổ xẻ, phân tích, vận dụng nhằm nâng cao chất lượng bảo hiểm nhân thọ và tạo dựng niềm tin với khách hàng và cơ quan quản lý.
Theo ông Dũng, những sóng gió trên thị trường bảo hiểm thời gian vừa qua cũng chính là cơ hội để toàn ngành tiếp tục tăng cường rà soát, chấn chỉnh và cải thiện quy trình, hệ thống phân phối, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, vì quyền và lợi ích cao nhất của khách hàng.
Qua đó, ngành bảo hiểm sẽ từng bước lấy lại được niềm tin của khách hàng, hướng tới sự phát triển lành mạnh, bền vững trong thời gian tới.
Ngành bảo hiểm đang ngày càng thể hiện được vai trò, vị trí đối với sự phát triển kinh tế – xã hội
Trả lời báo chí thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành bảo hiểm (nhân thọ và phi nhân thọ) đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. Tính đến cuối tháng 4/2023, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 708,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,41% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm trong 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 75,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,12%, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 23,5 ngàn tỷ đồng, tăng 20,71% so với cùng kỳ năm trước. Đây là những con số cho thấy sự tăng trưởng cũng như sự đóng góp của thị trường bảo hiểm đối với sự phát triển của kinh tế đất nước và an sinh xã hội.
Trước thực trạng ngành bảo hiểm nhân thọ đang phát sinh một số vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, hoạt động của các đại lý, cũng như dịch vụ chăm sóc và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh: Qua chấn chỉnh, hoạt động bảo hiểm đã dần có những chuyển biến tích cực. Với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, ông Phớc tin rằng, tới đây ngành bảo hiểm sẽ hoạt động chất lượng hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế và an sinh xã hội.