“ Hễ có công nghệ mới ra đời, hoặc có những kiến thức công nghệ mới, tôi đều cập nhật và sau đó cử nhân viên đi đào tạo để ứng dụng vào công việc trong công ty ”, ông Nguyễn Ngọc Đồng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đồng Thúy – đơn vị sở hữu thương hiệu Lado taxi – trả lời trên Báo Lâm Đồng hồi tháng 8/2022.
Theo vị Giám đốc này, việc chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp vận tải không chỉ là xu thế, mà đã trở thành vấn đề sống còn trong tương lai gần. Do đó, cách đây 7-8 năm Lado Taxi đã cử nhân viên đi đào tạo, tiếp cận các kiến thức công nghệ mới để vận dụng trong công việc, thay vì chờ tới bây giờ.
Lado Taxi được thành lập từ năm 2013, trụ sở chính tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Sau 2 năm hoạt động, từ 20 đầu xe, hãng này đã có mặt tại hầu hết các huyện, thành phố của tỉnh Lâm Đồng.
Tới năm 2019, Lado Taxi mở rộng chi nhánh ra các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Định. Năm 2020, hãng bắt đầu hiện diện tại tỉnh Phú Yên. Đến nay, Lado Taxi đã trở thành thương hiệu có tên tuổi tại thị trường Nam Trung Bộ và Nam Bộ với khoảng 1.000 xe.
Hãng taxi đầu tiên đưa xe điện vào vận hành tại Việt Nam
Mới đây, Lado gây chú ý khi ký hợp đồng thuê và mua ô tô điện với Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) và Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinFast, nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh taxi điện tại Lâm Đồng các khu vực khác.
Cụ thể, Lado đặt mua từ VinFast 40 xe VF e34, đồng thời thuê 300 xe VF e34 và 200 xe VF 5 Plus thông qua GSM. Thời hạn thuê là 42 tháng kể từ ngày ký hợp đồng chính thức, có thể được gia hạn tuỳ vào nhu cầu sử dụng thực tế.
Từ giữa năm 2022, Lado vốn đã trở thành thương hiệu taxi đầu tiên tại Việt Nam đưa xe điện vào vận hành, với đội xe gồm 75 chiếc VF e34 phục vụ vận chuyển hành khách tại Sân bay Liên Khương (Lâm Đồng).
Thời điểm đó, Lado cho biết lựa chọn xe điện là hướng đi chiến lược của hãng nhằm hưởng ứng xu thế tăng trưởng xanh, du lịch xanh, thể hiện qua slogan mới là “Lado xanh – môi trường sạch”.
Bên cạnh đó, slogan truyền thống của hãng là “Lado Taxi – Càng đi càng thích”, nên trải nghiệm của khách hàng cũng là yếu tố được chú trọng. Với đặc điểm không có mùi xăng dầu và di chuyển êm ái, xe điện được coi là lựa chọn phù hợp.
Ông Nguyễn Ngọc Đồng từng liệt kê 4 điểm ưu việt của VF e34. Đầu tiên là giúp tối ưu chi phí trong bối cảnh giá xăng tăng mạnh, chưa kể được miễn lệ phí trước bạ. Tiếp đó là độ bền bỉ tốt, cùng chính sách cho thuê pin tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp của VinFast. Cuối cùng là sự an toàn, trải nghiệm di chuyển của hành khách và khả năng quản lý xe thông minh.
Sau gần một năm đưa xe điện vào vận hành, hiệu quả mang lại dường như đáp ứng kỳ vọng của ông Đồng, dẫn đến quyết định đầu tư thêm để mở rộng đội xe điện lên tới hơn 600 chiếc, tiến tới thay thế dần đội xe xăng cũ.
“ Qua thực tế triển khai dịch vụ taxi điện gần một năm qua, chúng tôi nhận thấy những lợi thế vượt trội của xe điện so với xe xăng như không mùi, không tiếng ồn, tiết kiệm chi phí vận hành, bảo trì, bảo dưỡng và được trang bị rất nhiều tính năng, công nghệ thông minh ”, ông phát biểu tại lễ ký kết gần đây với GSM và VinFast.
Cú bắt tay với EMDDI trước “làn sóng” taxi công nghệ
Năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải thông qua quyết định cho phép thí điểm loại hình xe hợp đồng điện tử, mở đường cho “làn sóng” xe công nghệ tại Việt Nam. Nhờ lợi thế công nghệ và những chương trình khuyến mại hấp dẫn, Uber và Grab nhanh chóng chiếm được thị phần từ các hãng taxi truyền thống.
Trước tình hình đó, nhiều hãng taxi truyền thống đã đầu tư làm app đặt xe tương tự Uber và Grab, thay vì chỉ vận hành thông qua tổng đài như trước. Tuy nhiên, hành động đó không mang lại nhiều hiệu quả. Nền tảng EMDDI ra đời giúp giải quyết bài toán này, bằng cách kết nối hàng trăm đơn vị vận tải trên cùng một hệ thống, tạo thuận lợi cho người dùng.
Tuy nhiên, EMDDI gặp phải một vấn đề là không đủ chi phí quảng cáo. Sau khi hợp tác với startup này, Lado Taxi đã rất tích cực góp sức xử lý tình huống.
“ Thời điểm Lado Taxi tham gia EMDDI, người dân Lâm Đồng không mấy ai hiểu thế nào là cài app, cũng không có nhu cầu phải biết đó là cái gì. Do vậy, đội ngũ Lado Taxi nghĩ ra cách thuê lực lượng xe ôm đi khắp nơi, gặp ai cùng mời cài app và tặng tiền ”, ông Đào Kiến Quốc – Giảng viên Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, chủ nhiệm dự án EMDDI kể lại trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 6/2022.
Kết quả là từ cuối năm 2017 đến tháng 6/2018, đã có hơn 600.000 lượt đặt xe thành công của Lado qua app EMDDI.
Bên cạnh đó, Lado Taxi còn bắt tay với taxi công nghệ khi trở thành đối tác của beTaxi (dịch vụ thuộc Be Group) để triển khai dịch vụ tại Lâm Đồng từ tháng 3/2021.
“ Lado Taxi kỳ vọng hợp tác với Be Group sẽ giúp chúng tôi khẳng định vị thế dẫn đầu trong thị trường taxi tại địa phương. Xa hơn là quảng bá hình ảnh Lado Taxi đến với khách du lịch khắp mọi miền, tạo tiền đề để doanh nghiệp phát triển, mở rộng thị trường trong tương lai “, ông Nguyễn Ngọc Đồng cho hay.