Ngày 14/8, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh nhằm quán triệt một số quy định của Bộ Chính trị và cung cấp thông tin về tình hình tỉnh trong những tháng đầu năm 2024. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu tại các huyện, thành phố với hơn 1.600 đại biểu tham dự.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, ông Dương Văn An, đã thông tin về những khó khăn mà tỉnh phải đối mặt từ cuối năm 2023 đến nay, tác động trực tiếp đến tình hình chính trị và phát triển kinh tế – xã hội. Dù vậy, với quyết tâm và nỗ lực, tỉnh đã đạt được sự phục hồi và phát triển tích cực ở cả ba khu vực: kinh tế nhà nước, tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã thông tin về tình hình kinh tế – xã hội trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, nửa đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 6,26%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Thu ngân sách Nhà nước trong 7 tháng đạt trên 18.030 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Vĩnh Phúc vẫn giữ được sức hút đối với các nhà đầu tư, với 52 dự án FDI mới và tăng vốn đầu tư trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đạt 473 triệu USD. Đồng thời, tỉnh cũng cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 17 dự án FDI trong nước với tổng vốn 3.502 tỷ đồng.
>> Vượt xa kế hoạch FDI của cả năm 2024, địa phương này sắp nhận thêm 100 triệu USD từ đối tác quen của Samsung và SK
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhận định, dù Vĩnh Phúc là một tỉnh giàu nhưng thu nhập bình quân đầu người chưa cao. Do đó, tỉnh cần tính toán để tạo ra những trụ cột kinh tế mới, nguồn thu ổn định, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một lĩnh vực duy nhất. Tỉnh cần tiếp tục đổi mới hoạt động thu hút đầu tư, tăng quy mô vốn, tỷ lệ thuê và sử dụng đất, đồng thời nâng cao tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp.
Ngoài ra, ông An nhấn mạnh đến việc phát triển du lịch và dịch vụ để tạo nguồn kích cầu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân. Việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công cần được thực hiện có trọng tâm, tránh dàn trải. Công tác cắm mốc chỉ giới và bảo vệ các công trình thủy lợi cần được chú trọng, đặc biệt là xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm tại các hồ lớn như Đầm Vạc và hồ Đại Lải, nhằm xây dựng Đầm Vạc thành trái tim sinh thái và biểu tượng của thành phố Vĩnh Yên.
Về định hướng trong thời gian tới, ông An cho biết, tỉnh sẽ tập trung phát triển kinh tế trên ba trụ cột: công nghiệp, du lịch – dịch vụ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết hợp xây dựng chuỗi giá trị.
Đồng thời, tỉnh sẽ đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, và tăng cường liên kết vùng thông qua nâng cấp cơ sở hạ tầng. Việc phát triển du lịch, dịch vụ, chuyển đổi số trong ba trụ cột kinh tế số, xã hội số, và chính quyền số sẽ được ưu tiên. Tỉnh cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
>> Doanh nghiệp Hàn Quốc đặt tham vọng đầu tư tại tỉnh sẽ là trung tâm sản xuất ô tô hàng đầu cả nước
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/ky-la-mot-tinh-giau-co-nhung-thu-nhap-cua-nguoi-dan-van-let-det-151392.html