“Doanh nghiệp phải chịu chi phí rất lớn cùng với áp lực về tồn kho khi kinh doanh sách giáo khoa dù chiết khấu phát hành chỉ ở mức 8-10% ” , chia sẻ đáng chú ý của lãnh đạo Nhà sách Fahasa nhân dịp sinh nhật lần thứ 48 của Công ty, đồng thời cũng ngay thời điểm tựu trường.
Được biết, Fahasa hiện là đơn vị kinh doanh sách, nhà sách ltop đầu Việt Nam cả về quy mô mà cả doanh số. Trong khi Phương Nam hay ADC Book đạt doanh số chưa được 1.000 tỷ trong năm 2023, thì bị con số của Fahasa “bỏ lại” rất xa với gần 4.000 tỷ đồng. Yếu tố then chốt giúp Công ty có thể tồn tại và sống khoẻ theo Fahasa là công ty chỉ tập trung chuyên ngành.
Dù vậy, sang năm 2024, theo chia sẻ của bà Phạm Thị Hóa – Phó tổng giám đốc Fahasa – thì so với nền kết quả kinh doanh rất tốt của năm 2023, doanh nghiệp chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 5% doanh thu, bỏi bối cảnh kinh tế còn khó khăn và sức mua của khách hàng giảm.
Theo BCTC riêng quý 2/2024 (Công ty chưa công bố BCTC hợp nhất), doanh thu Fahasa đạt hơn 1.088 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 7 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Fahasa ghi nhận doanh thu đi ngang với 1.787 tỷ, lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ lên 22,5 tỷ đồng.
Riêng tháng 8 – tháng cận kề mùa tựu trường, đơn vị sẽ tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, tặng quà cho khách hàng để kích cầu mùa cao điểm. Đến nay, 120 chi nhánh trên toàn quốc của Fahasa đã chuẩn bị khối lượng hàng hóa phong phú, như sách giáo khoa các lớp đáp ứng nhu cầu học sinh ở tất cả trường, vùng miền, sách tham khảo, dụng cụ học sinh, phụ kiện học sinh, ba lô…
Cần nhấn mạnh, trong hệ thống các nhà sách tại Việt Nam, chỉ có Fahasa vẫn tập trung nhiều cho việc phát hành sách giáo khoa. Nhiều đơn vị khác không mặn mà, không thiết tha với mặt hàng này vì kinh doanh gần như không có lợi nhuận.
“Trong kinh doanh sách giáo khoa, doanh nghiệp phải chịu chi phí rất lớn cùng với áp lực về tồn kho , mà chiết khấu phát hành chỉ ở mức 8-10%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần cập nhật thông tin các địa phương sử dụng bộ sách giáo khoa nào để phối bộ sách cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng tại từng khu vực khác nhau. Dù vậy, chúng tôi vẫn làm để phục vụ nhu cầu của khách hàng” , bà Phạm Thị Hóa khẳng định.
Chưa kể, Fahasa đánh giá việc bán sách giáo khoa tuy mang lại lợi nhuận không cao nhưng có thể là yếu tố kích cầu khách hàng mua sắm thêm dụng cụ học tập, mang lại doanh thu cho các nhà sách.
Bên cạnh việc tập trung vào các nhà sách truyền thống, Fahasa cũng phát triển việc bán hàng qua các kênh thương mại điện tử như website, sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Ông Nguyễn Văn Giàu, Giám đốc TMĐT của Fahasa cho biết trang website Fahasa.com có lượng hàng hóa với hơn 100.000 sản phẩm, đảm bảo cho 10.000 người truy cập/giây, giúp khách hàng có thể tìm kiếm sản phẩm nhanh chóng, đặt hàng dễ dàng, giao hàng nhanh trong ngày.
“Chúng tôi có 2 kho hàng tại T p.HCM và Hà Nội với tổng diện tích hơn 10.000 m2. Nhân sự tại kho cũng đảm bảo vận hành trơn tru các khâu nhập hàng, soạn hàng, đóng hàng và giao hàng. Với các đơn hàng trước 15h, chúng tôi có thể đảm bảo đơn hàng được giao trong ngày”, vị này cho biết thêm.
Nguồn tin: https://cafef.vn/fahasa-kinh-doanh-sach-giao-khoa-phai-chiu-chi-phi-rat-lon-trong-khi-chiet-khau-phat-hanh-chi-8-10-gan-nhu-khong-co-loi-nhuan-188240801103445538.chn