UBND huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) vừa có văn bản về việc cung cấp hồ sơ phục vụ lập hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương dự án Khu du lịch Quốc gia Đankia – Suối Vàng.
Theo văn bản, Tập đoàn TH đã đề xuất chủ trương đầu tư dự án khu du lịch quốc gia Đankia – Suối Vàng, dự án tổ hợp nhà máy tuyển bô-xít, chế biến alumin, điện phân Nhôm Lâm Đồng 3 kết hợp các dự án mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn TH – Lâm Đồng.
UBND huyện Lạc Dương yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp, cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ lập hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương dự án Khu du lịch Quốc gia Đankia – Suối Vàng.
Phòng Tài chính – Kế hoạch, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Hạt Kiểm lâm, Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, UBND thị trấn Lạc Dương chủ động phối hợp, cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan cho Trung tâm Phát triển quỹ đất để tổng hợp.
Dự án Khu du lịch quốc gia Đankia – suối Vàng có diện tích 3.998,18ha, bao gồm 7 phân khu chức năng chính và 2 phân khu nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch và các khu chức năng khác năm ngoài phạm vi các phân khu. Dự án được đề xuất với tổng mức đầu tư 30.313 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu tối thiểu yêu cầu với nhà đầu tư tương đương 4.547 tỷ đồng; vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác khoảng 25.766 tỷ đồng.
Nhiều ông lớn đề xuất đầu tư các dự án Bô-xít hàng tỷ USD
Theo báo cáo Mineral Commodity Summaries (MCS) 2023 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), hiện tại tổng trữ lượng quặng bô xít thế giới được ghi nhận là 31 tỷ tấn, trong đó Việt Nam có trữ lượng lớn thứ hai với 5,8 tỷ tấn.
Hiện nay, Đắk Nông là tỉnh có trữ lượng bô xít lớn nhất nước ta, chiếm khoảng 70% tổng trữ lượng cả nước (trữ lượng thăm dò ước tính 2,6 tỷ tấn). Đây cũng là tỉnh có trữ lượng quặng bô xít lớn nhất Đông Nam Á.
Bô xít là một loại quặng nhôm, từ bô xít có thể tách ra alumin – nguyên liệu chính để luyện nhôm trong các lò điện phân. Do đó, bô xít được xem là nguồn tài nguyên lớn và là cơ sở để ngành công nghiệp nhôm phát triển lâu dài.
Trước TH, nhiều ông lớn khác đã đề xuất đầu tư các dự án bô-xít tại Việt Nam với vốn đầu tue lên đến hàng tỷ USD.
Tại Đắk Nông, Tập đoàn Hòa Phát đề xuất khảo sát đầu tư các dự án của tập đoàn gồm: Dự án Alumin, công suất 2 triệu tấn Alumin /năm; nhà máy tuyển quặng công suất 5 triệu tấn/năm.
Ngoài ra, Tập đoàn Hoà Phát đã nghiên cứu, khảo sát và có kế hoạch triển khai Dự án Alumin – Nhôm – Điện gió Hòa Phát gồm cụm dự án Alumin (công suất 2 triệu tấn/năm) và nhà máy tuyển quặng (công suất 5 triệu tấn/5), dự án điện phân nhôm (công suất 500.000 tấn/năm), dự án điện gió (công suất 1.500MW) với tổng kinh phí hơn 4,3 tỷ USD.
CTCP Tập đoàn hoá chất Đức Giang cho biết, đang nghiên cứu triển khai dự án Tổ hợp nhôm Đức Giang – Đắk Nông với tổng mức đầu tư của dự án là 57.000 tỷ đồng, khoảng 2,5 tỷ USD.
CTCP Tập đoàn Sovico đề xuất đầu tư dự án điện phân Nhôm quy mô 2.000ha tại TP. Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Với chức năng khu công nghiệp liên hoàn (từ quặng thô đến thành phẩm đầu cuối là sản phẩm tiêu dùng cho ngành công nghiệp xây dựng, tiêu thụ dân dụng), dự án gồm xây dựng, vận hành các lĩnh vực từ năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió, thủy điện…) đến khai thác mỏ bauxite, sản xuất alumina, điện phân nhôm aluminum và chế tạo thành phẩm đầu cuối cho công nghiệp và tiêu dùng.
CTCP Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group) cuối tháng 12 năm ngoái cũng đã có văn bản báo cáo kết quả nghiên cứu dự án Tổ hợp Kinh tế tuần hoàn Thaco. Tổ hợp này được quy hoạch để hình thành chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn từ khâu khai thác quặng bô-xít đến chế biến alumin, nhôm, hoàn thổ phục hồi môi trường, trồng cây nông nghiệp, nhà máy chế biến nông sản, nhà máy phụ trợ, du lịch sinh thái…
Tổng mức đầu tư sơ bộ cho toàn bộ dự án là khoảng 103.024 tỷ đồng (hơn 4,2 tỷ USD), với 30% từ vốn chủ sở hữu (khoảng 31.000 tỷ đồng) và 70% đến từ nguồn vốn vay. Lộ trình xây dựng dự án sẽ được chia làm 3 giai đoạn và dự kiến hoàn thành, đi vào vận hành và kinh doanh ổn định cho đến sau năm 2024.
Trong tổ hợp kinh tế tuần hoàn này, Nhà máy alumin Lâm Đồng 2 là dự án thuộc địa bàn các huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Đây là nhà máy khai thác quặng bô-xít và chế biến alumin có công suất khoảng 4 triệu tấn/năm.
Ngoài ra, còn có Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam; Tập đoàn Việt Phương với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 4.200 tỷ đồng.
Nguồn tin: https://cafef.vn/them-1-dai-gia-muon-lam-bo-xit-kho-bau-hoa-phat-thaco-duc-giang-muon-rot-hang-ty-usd-vao-dau-tu-188240125113017304.chn