Ông Nguyễn Văn Tược, Tổng giám đốc Công ty CP cao su Phước Hòa (Bình Dương, thuộc VRG), cho biết doanh nghiệp (DN) hiện quản lý 15.687 ha đất, trong đó diện tích cao su 15.084 ha, là một trong các đơn vị có diện tích lớn trong ngành cao su Việt Nam.
Đầu tư sớm cho các hạng mục phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, DN đã thu được nhiều thành quả. Trong đó, giá bán cao su luôn cao hơn thị trường từ 1-2 triệu đồng/tấn, cao nhất trong ngành và cao su Phước Hòa trở thành thương hiệu mạnh.
Theo ông Tược, ở vùng nguyên liệu, vườn cây cao su được trang bị các dụng cụ có thể tái sử dụng, hạn chế thải ra môi trường, vườn cây thông thoáng, bảo vệ động thực vật xung quanh; thuốc bảo vệ thực vật dùng đúng khuyến cáo, sử dụng thuốc gốc sinh học, tránh các chất độc hại và lao động trang bị bảo hộ đầy đủ khi làm việc.
Phát triển bền vững giúp cao su Phước Hòa trở thành thương hiệu mạnh trong ngành
Tại nhà máy chế biến, DN đầu tư công nghệ để 70% lượng nước quay lại sản xuất, giảm khai thác nước ngầm. Đặc biệt, từ năm 2013, nhà máy đã chuyển đổi cung cấp nhiệt lò xông từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu sinh khối (biomass) bằng các phế liệu nông nghiệp như: vỏ cây, dăm gỗ, cành cây,… giúp giảm 30% chi phí nhiên liệu và làm tăng chất lượng cao su chế biến khi sản phẩm không bị ám khói, dầu.
Ông Tược thông tin thêm, hiện 3.000 ha cao su của DN quản lý đã có chứng nhận quản lý rừng bền vững FSC. Định hướng của DN đến năm 2030, toàn bộ 100% diện tích cao su khi đó (khoảng 5.000 ha) sẽ có chứng chỉ FSC. Ngoài ra, DN cũng hỗ trợ các hộ cao su tiểu điền quanh vùng trồng của DN cùng có chứng chỉ này.
Bên trong nhà máy nệm Đồng Phú
Tại Công ty CP cao su kỹ thuật Đồng Phú (nệm Đồng Phú) thuộc Công ty CP cao su Đồng Phú (Bình Phước, thành viên VRG), toàn bộ mái nhà máy được lắp hệ thống điện mặt trời tạo ra năng lượng xanh. Từ hệ thống này, DN tiết kiệm được 60% chi phí tiền điện cho sản xuất.
Theo ông Đàm Duy Thảo, Tổng giám đốc nệm Đồng Phú, hiện nhà máy đã thu hồi được 100% phụ phẩm sau sản xuất để xử lý bằng cách xay nhỏ, sấy khô cung cấp cho nhưng đơn vị sản xuất có yêu cầu chất lượng nguyên liệu thấp hơn nệm như: lốp xe, tấm lót thú cưng, tấm lót chống trượt trong nhà xưởng… giảm lượng rác thải ra môi trường. Tương lai công ty cũng sẽ đầu tư sản xuất từ nguyên liệu này để nâng cao thêm giá trị thay vì bán thô như hiện nay.
Cũng theo ông Thảo, sản phẩm của DN 100% cao su thiên nhiên nên thân thiện với môi trường, có thể tái chế và dễ dàng phân hủy khi thải ra môi trường nên là lợi thế lớn khi chào hàng sang những thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản khi đòi hỏi sản phẩm phải sản xuất xanh, nguyên liệu bền vững và mức độ an toàn cao.
Đặc biệt, DN có lợi thế nguyên liệu từ công ty mẹ – nơi vùng trồng đã có chứng chỉ bền vững nên có thể chủ động nhận những đơn hàng xuất khẩu lớn. Hiện tại, nệm Đồng Phú mới sử dụng được khoảng 20% nguyên liệu do công ty mẹ sản xuất ra nên dư địa tăng trưởng còn rất lớn.
KCN Tân Bình (Bình Dương)
Khu công nghiệp xanh
Kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN) chuyển đổi từ diện tích cao su kém hiệu quả là một mảng mới nhiều tiềm năng của các DN cao su.
KCN Tân Bình (diện tích 240 ha tại Bình Dương) có 80% vốn góp của Công ty CP cao su Phước Hòa đạt Chứng nhận DN bền vững (CSI) do Hội đồng DN vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) cấp 4 năm liên tiếp (2019-2022).
Ông Nguyễn Quốc Thái, Phó Tổng giám đốc DN cho biết KCN Tân Bình luôn chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, phấn đấu trở thành một KCN xanh với những dự án phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ giai đoạn phê duyệt dự án, KCN đã thực hiện phân khu chức năng đối với các dự án đầu tư, phân bố cây xanh đạt tỉ lệ tiêu chuẩn, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến khu vực dân cư lân cận. Các dự án thu hút đầu tư là những dự án có mức độ ô nhiễm thấp, tỉ lệ tái sử dụng chất thải công nghiệp cao, ít xả thải ra môi trường. Các DN trong KCN nhờ đó cũng có lợi thế hơn trong việc đàm phán đơn hàng khi thỏa mãn được các tiêu chí xanh.
KCN Tân Bình hiện đang mở rộng giai đoạn 2 với diện tích 997 ha cũng với định hướng khu công nghiệp xanh, ưu tiên thu hút các DN hiện hữu có kế hoạch mở rộng sản xuất và các DN vệ tinh, đối tác chiến lược của DN tạo nên một chuỗi cung ứng, hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh.