Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 16/8/2024, phê duyệt Đề án xây dựng đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận trở thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Đây là một bước tiến chiến lược, góp phần nâng cao đời sống ngư dân, bảo đảm an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế biển.
Đề án đặt mục tiêu phát triển đảo Phú Quý thành trung tâm hàng đầu trong khu vực và cả nước về khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá. Đặc biệt, nơi đây sẽ được phát triển thành trung tâm cứu nạn biển, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển.
Dự kiến, đến năm 2045, đảo Phú Quý sẽ trở thành một trung tâm phát triển đồng bộ, hiện đại, tích hợp các giá trị sản phẩm khai thác và nuôi trồng thủy sản, đáp ứng được yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao giá trị gia tăng cho ngành thủy sản.
Mục tiêu cụ thể của Đề án bao gồm việc đáp ứng cho tàu cá có chiều dài lớn nhất trên 30m vào neo đậu, tránh trú bão an toàn, không chỉ cho tỉnh Bình Thuận mà còn cho các tỉnh có tàu cá hoạt động trên ngư trường vùng biển lân cận. Đề án cũng đề xuất nâng cấp năng lực cảng cá Phú Quý để đạt công suất 25.000 tấn/năm, giảm thiểu tổn thất sản phẩm sau khai thác và gia tăng giá trị thủy sản.
Đề án đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm như đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hoàn thiện khu neo đậu tránh trú bão, xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá và các dịch vụ xã hội. Đồng thời, Đề án cũng sẽ tập trung phát triển Trạm tìm kiếm cứu nạn trên đảo Phú Quý thành trung tâm cứu nạn cấp vùng, với trang bị hiện đại, đảm bảo khả năng cứu hộ, cứu nạn kịp thời và hiệu quả.
>> Huyện đảo chỉ hơn 18km2 mang cái tên ‘giàu có’ đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, trở thành ‘điểm sáng’ trên bản đồ du lịch Việt Nam
Trong tương lai, đảo Phú Quý không chỉ trở thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, mà còn là điểm đến tin cậy trong công tác cứu nạn biển của khu vực và quốc gia. Sự phát triển đồng bộ, toàn diện của đảo Phú Quý sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao đời sống ngư dân, đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trong những tháng đầu năm 2024, theo UBND huyện Phú Quý, kinh tế – xã hội của địa phương này đã đạt được một số kết quả nổi bật nhất định, trong khi đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản vẫn được giữ vững.
Về hoạt động khai thác hải sản, sản lượng trong nửa đầu năm nay của huyện Phú Quý đạt 20.855 tấn (tăng hơn 10% so cùng kỳ năm ngoái). Việc đạt được kết quả ở trên một phần nhờ vào thời tiết khá ổn định nên tàu thuyền của ngư dân có thể vươn khơi bám biển thường xuyên.
Tính đến thời điểm hiện tại, dịch vụ vận tải nối liền Phan Thiết – Phú Quý cũng đang từng bước nâng cao chất lượng với 14 tàu tham gia hoạt động, trong đó có 5 tàu cao tốc chuyên chở du khách và 9 tàu chuyên chở hàng hóa.
Kinh tế biển phát triển trong 6 tháng đầu năm qua đã góp phần giúp tổng thu ngân sách của địa phương ước đạt 20,5 tỷ đồng, bằng 89,13% dự toán năm mà tỉnh và huyện giao, tăng gần 37% so cùng kỳ năm ngoái.
Trong 6 tháng cuối năm 2024, Phú Quý – huyện đảo chỉ hơn 18km2 mang cái tên “giàu có” đặt mục tiêu tiếp tục duy trì phát triển kinh tế biển trên các lĩnh vực gồm nuôi trồng, thu mua, khai thác, chế biến và xuất khẩu hải sản. Đồng thời, huyện cũng sẽ thực hiện các biện pháp để ngăn chặn tình trạng khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài hay đánh bắt bằng chất nổ, chất độc hại…
>> Bình Thuận thu hơn 105 tỷ đồng tiền thuế từ khai thác một loại tài nguyên
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/hon-dao-mang-cai-ten-giau-co-se-la-trung-tam-khai-thac-nghe-ca-tim-kiem-cuu-nan-tren-bien-cua-ca-nuoc-151733.html