Ngành dệt may Việt Nam với khoảng 7.000 doanh nghiệp (DN) và gần 3 triệu lao động, thuộc Top 2 các ngành xuất khẩu trong nước và Top 3 các nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới, tuy nhiên, dệt may cũng là một trong những nhóm hàng sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu khó khăn nhất trong 10 tháng vừa qua.
Không chỉ kinh tế suy thoái, hàng tồn các thị trường chính (Mỹ, châu Âu) còn cao khiến nhu cầu giảm, đơn hàng giảm; ngành còn đối mặt với nhiều thách thức trong chuyển đổi xanh. Đặc biệt trong bối cảnh các thị trường lớn như EU siết chặt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, đưa ra Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM) và Chỉ thị thẩm định chuỗi cung ứng (CSDDD), thông tin được đưa ra tại Hội thảo chuyên đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Dệt May trên lộ trình Tăng trưởng Xanh” mới đây.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng Thư ký, Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, hiện nay Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 53 quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng thị trường và tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các FTA thế hệ mới cũng đặt ra thách thức khi yêu cầu về tăng trưởng xanh ngày càng khắt khe.
“Hơn 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu vốn đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh, nhiều quy định (chứng chỉ LEED, Thẩm định Chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc) và yêu cầu phức tạp về thiết kế sinh thái khiến nhiều doanh nghiệp còn chần chừ khi thực hiện chuyển đổi”, bà Mai nhấn mạnh.
Bà Lành Huyền Như, Business Scout – Quản lý dự án Chuỗi Cung ứng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Phòng Công nghiệp và Thương mại CHLB Đức (AHK Việt Nam) cho rằng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là ưu thế giúp dệt may Việt Nam tăng sức cạnh tranh. Song, khía cạnh bảo vệ lao động và trách nhiệm xã hội (chuyển dịch công bằng) trong EVFTA vẫn chưa được định hướng rõ ràng và cụ thể cho các doanh nghiệp Việt Nam so với khía cạnh bảo vệ môi trường. Điều này có thể khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trước tác động của thẩm định chuyên sâu tại thị trường EU.
Hiện, các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới cũng đang ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp xanh hoặc yêu cầu các nhà cung cấp áp dụng các biện pháp thực hành xanh. Do đó, trong kế hoạch đạt doanh thu 21.800 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD) đến năm 2025 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), “xanh hoá” ngành được ví như một trong những yếu tố hỗ trợ quan trọng.
Đại diện Vinatex nhấn mạnh, một cuộc cách mạnh mới đang lên ngôi – “xanh hoá” ngành dệt may. Bởi, dệt may là ngành lớn thứ hai trong thị trường thương mại toàn cầu, theo các chuyên gia kinh tế thì thị trường ước đạt 1.230 tỷ USD vào năm 2024. Tuy nhiên, dệt may cũng là ngành bị đánh giá là ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Mặt khác, những năm gần đây, thời trang nhanh phát triển tạo ra xu hướng sử dụng hàng dệt may trong thời gian ngắn hơn trước, vứt bỏ nhiều hơn. Trên khắp thế giới, cứ mỗi giây lại có một xe tải chở hàng dệt may được chôn lấp hoặc đốt. Sản lượng dệt may toàn cầu tăng gần gấp đôi từ năm 2000 đến năm 2015 và mức tiêu thụ quần áo và giày dép dự kiến sẽ tăng 63% vào năm 2030.
Do đó, “xanh hoá” ngành không chỉ là xu hướng mà còn là con đường bắt buộc mọi quốc gia phải đi qua, kể cả Việt Nam. Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã có những quy định liên quan đến việc đảm bảo tính bền vững, tuần hoàn trong sản xuất kinh doanh hàng may mặc.
Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc các doanh nghiệp cần chủ động đón đầu làn sóng chuyển đổi xanh để tiến xa hơn trên chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi, năng lượng Xanh sẽ trở thành xu hướng trước những yêu cầu thay đổi từ các thị trường lớn.