Nội dung chính:
- Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cầm cố 30 triệu cổ phần công ty con (Chăn nuôi Gia Lai) và đảm bảo thanh toán cho khoản vay có hạn mức 500 tỷ đồng của Hưng Thắng Lợi Gia Lai) – một công ty con khác.
- Khoản nợ vay tại Sacombank Gia Lai đã quá hạn từ năm 2022, được gia hạn thêm đến giữa năm 2023.
- HAGL vẫn đang gặp khó khăn với các khoản nợ vay trong quá khứ.
Hội đồng quản trị (HĐQT) HAGL vừa ra nghị quyết về việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của Hưng Thắng Lợi Gia Lai với khoản vay có hạn mức 500 tỷ đồng từ Sacombank Gia Lai. Nghị quyết được thông qua ngày 10/8/2023.
Cụ thể, khoản vay nói trên sẽ được HAGL cầm cố 30 triệu cổ phần tại Chăn nuôi Gia Lai, đồng thời đứng ra cam kết bảo lãnh toàn bộ nghĩa vụ phát sinh.
Chăn nuôi Gia Lai và Hưng Thắng Lợi Gia Lai đều là hai công ty con của HAGL, với tỷ lệ sở hữu của HAGL lần lượt 88% và 98%. Là công ty con, mọi khoản nợ của hai công ty này đều được ghi vào khoản nợ của HAGL trong báo cáo hợp nhất của công ty.
Gia hạn nợ?
Khoản nợ vay hạn mức 500 tỷ đồng tại Sacombank Gia Lai không phải là khoản vay mới.
Tính đến cuối năm 2022, HAGL có khoản nợ 691 tỷ đồng tại Sacombank Gia Lai, trong đó 500 tỷ đồng đáo hạn từ 30/12/2022, được gia hạn đến 30/6/2023. Ngoài ra còn khoản vay 191 tỷ đồng đáo hạn từ 20/10/2022 và được gia hạn đến 20/7/2023.
Như vậy, đến ngày Nghị quyết HĐQT được thông qua, 691 tỷ đồng vay Sacombank Gia Lai đều đã quá hạn. Trong khi đó, số dư nợ vay của HAGL tại Sacombank (gồm Sacombank Gia Lai và 1 chi nhánh khác) vẫn gần như giữ nguyên đến cuối tháng 6/2023. Số dư tiền và tương đương tiền của HAGL cuối quý II/2023 chỉ còn 50 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn của công ty chủ yếu nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho.
Việc cầm cố cổ phần của Chăn nuôi Gia Lai cũng như đứng ra cam kết bảo lãnh nghĩa vụ nợ có thể là biện pháp gia hạn nợ của HAGL tại Sacombank Gia Lai, chứ không phải là khoản vay mới của công ty.
Khoản vay 500 tỷ đồng của HAGL tại Sacombank Gia Lai trước đây đã có 90 triệu cổ phần HAGL do Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức nắm giữ là tài sản thế chấp. Ngoài ra, khoản vay 191 tỷ đồng có tài sản thế chấp là 23,75 triệu cổ phiếu HAGL cũng của ông Đức, cùng quyền sử dụng đất tại nhiều mảnh đất thuộc công ty.
Vật lộn với các khoản nợ vay
Dù số dư nợ vay của HAGL có xu hướng giảm trong vài năm trở lại đây, công ty vẫn gặp khó khăn khi thu xếp dòng tiền để thanh toán các khoản nợ và lãi vay đến hạn.
Trong quý II/2023, lợi nhuận gộp của HAGL chỉ đạt 186 tỷ đồng, trong khi chi phí lãi vay trong kỳ lên đến 267 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh chính của công ty đã không đủ để bù đắp chi phí lãi vay. Lợi nhuận có được của HAGL trong kỳ là nhờ thanh lý tài sản cố định.
Báo cáo kiểm toán năm 2022 của HAGL cũng cho thấy tình hình khó khăn của công ty trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Tính đến cuối năm 2022, HAGL vẫn chưa thanh toán khoản vay đến hạn 279 tỷ đồng theo lịch thanh toán đã cam kết với Eximbank. Dư nợ của HAGL với Eximbank vào cuối năm 2022 là 588 tỷ đồng. Sau 6 tháng, số dư nợ giữa công ty và Eximbank vẫn gần như không thay đổi.
Trong vòng 1 năm tới (kể từ 30/6/2023), HAGL có 4.180 tỷ đồng nợ vay phải trả, là các khoản vay ngắn hạn và dài hạn đến hạn trả. Cùng với đó là 4.657 tỷ đồng lãi vay phải trả đã dồn lại trong suốt thời gian đang được “treo” tại bảng cân đối của công ty.