Với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tổng kết năm 2022, Việt Nam khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. GDP năm 2022 tăng cao ở mức 8,02%, là mức tăng trưởng cao nhất trong 12 năm qua (Tổng Cục Thống Kê, 2022). Trong đó, phải kể đến ngành công nghiệp chế biến, chế tạo – động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,1%.
Hiện, tại các nhà máy, nhu cầu với các giải pháp gia công tiên tiến, ứng dụng tự động hoá, cắt giảm thời gian chết trong sản xuất, cải thiện độ chính xác nhằm thúc đẩy hiệu suất vận hành đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trước những nhu cầu đó, áp lực đổi mới đối với ngành công nghiệp cơ khí chính xác tại Việt Nam tăng lên rõ rệt, với tư cách là hạt nhân của các ngành công nghiệp.
Theo một báo được Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) công bố, tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam từ nay đến năm 2030 có thể đạt hơn 300 tỷ USD. Nhưng hiện nay ngành cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng gần 1/3 nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Với khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam, ngành cơ khí trong nước đã từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động.
“Cơ khí chính xác là nền tảng của ngành cơ khí. Không có sự góp mặt của chúng, các ngành sản xuất khó có thể vận hành”, ông BT Tee – Tổng Giám đốc công ty Informa Markets Việt Nam – chia sẻ bên lề MTA Vietnam 2023.
Thực tế, Việt Nam đã dần làm chủ được những thiết bị điện có hàm lượng công nghệ cao nhờ cơ chế đặt hàng của Chính phủ. Với việc sản xuất thành công máy biến áp 220 kV-250 MVA; máy biến áp 500 kV, đặc biệt là máy biến áp nguồn 3 pha 500 kV-467 MVA (dòng máy siêu cao áp công suất lớn rất ít nước trên thế giới có công nghệ chế tạo), đưa vào vận hành an toàn đã khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của ngành cơ khí điện Việt Nam.
Tương lai, Việt Nam có kế hoạch bỏ ra hàng trăm tỷ USD cho cơ sở hạ tầng từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam tham gia sâu vào các gói thầu, làm chủ công nghệ.
Trong quá khứ, doanh nghiệp hỗ trợ ngành dầu khí Việt Nam lại là đối tác hàng đầu của các doanh nghiệp khai thác dầu khí Brunei. Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu liên tiếp các gói sản xuất giàn khoan – một trong những hạng mục cơ khí phức tạp, đòi hỏi trình độ cao.
Nhìn chung, theo các chuyên gia, tiềm năng của công nghiệp cơ khí trong nước còn rất lớn. Đơn cử, cơ hội từ quy hoạch điện VIII giai đoạn 2021-2030 ước tính phải đầu tư khoảng 133 tỷ USD. Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia chế tạo máy móc, thiết bị, cần cẩu, trục nâng, cột trụ đường dây truyền tải điện, máy biến áp…
Các doanh nghiệp cơ khí cũng có thể tận dụng cơ hội từ các dự án đường sắt Bắc – Nam tốc độ cao trị giá khoảng 50-60 tỷ USD, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các công trình giao thông, dầu khí, đóng tàu, sản xuất ôtô, xe máy…
Hơn nữa, khi kinh tế phát triển, nhu cầu xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp (đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô)… cũng theo đó tăng lên.
Theo đó, MTA Vietnam 2023 năm nay cũng thu hút mạnh đối tác ngoại (trên 20 quốc gia tham dự gồm Hoa Kỳ, Canada, Anh, Ý, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan…) với diện tích gấp 1,8 lần năm ngoái.
Để đáp ứng nhu cầu về một quy trình sản xuất chất lượng hơn, MTA Vietnam hướng đến tại tạo không gian để doanh nghiệp tiếp cận những sản phẩm máy công cụ, cơ khí tiên tiến nhất; song song cập nhật những xu hướng mới nhất của ngành để xây dựng nền sản xuất thông minh trong tương lai.