Mới đây, Gojek – hãng gọi xe công nghệ đến từ Indonesia, chính thức thông báo rút khỏi thị trường Việt Nam từ ngày 16/9/2024, khép lại hành trình 6 năm hoạt động tại đây. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh kinh doanh của Gojek tại Việt Nam ngày càng khó khăn, với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ trong và ngoài nước.
Khi ra mắt tại Việt Nam vào tháng 8/2018 dưới tên gọi GoViet, Gojek đã có một khởi đầu đầy hứa hẹn. Hãng nhanh chóng mở rộng các dịch vụ như GoBike (gọi xe máy), GoSend (giao nhận hàng hóa), và GoFood (gọi đồ ăn trực tuyến), với mục tiêu cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ lớn như Grab và Be. Tuy nhiên, sau khi đổi tên thành Gojek Việt Nam vào năm 2020, tốc độ tăng trưởng của hãng dần chững lại. Sự thay đổi này không giúp Gojek giành lại thị phần, ngược lại, họ càng đánh mất vị trí trong bối cảnh thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam trở nên khốc liệt hơn.
Mức độ phổ biến các thương hiệu gọi xe tại Việt Nam
Ảnh: Khảo sát của Q&M
Theo báo cáo “Mức độ phổ biến của ứng dụng gọi xe máy năm 2024” từ Q&Me, Gojek chỉ chiếm 7% thị phần trong khi Grab chiếm tới 42%, Be đạt 32%, và Xanh SM, đối thủ mới trên thị trường, chiếm 19%. Sự xuất hiện của Xanh SM, hãng taxi điện do tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập, đã gây áp lực lớn lên các đối thủ lâu năm, khiến Gojek gặp khó khăn trong việc duy trì thị phần.
Trong suốt 6 năm hoạt động tại Việt Nam, Gojek gặp nhiều khó khăn trong việc tối ưu hóa lợi nhuận. Năm 2023 là năm đánh dấu sự sụt giảm lớn về doanh thu của Gojek tại Việt Nam, khi con số chỉ còn khoảng 200 tỷ đồng, trong khi Grab và Be đều đạt mức doanh thu hàng nghìn tỷ. Đặc biệt, Grab mang về hơn 4.000 tỷ đồng, duy trì vị thế thống lĩnh trên thị trường.
>> Nóng: Gojek thông báo rút lui khỏi thị trường Việt Nam
Mức lỗ lũy kế của Gojek tại Việt Nam lên đến gần 5.700 tỷ đồng tính đến cuối năm 2023. Nếu tính riêng năm 2023, khoản lỗ của Gojek là 250 tỷ đồng, giảm mạnh so với lỗ 1.400 tỷ đồng của năm 2022 nhưng mức lỗ lũy kế trong 6 năm hoạt động vẫn là gánh nặng tài chính lớn đối với hãng gọi xe này.
Gojek lỗ lớn nhất trong các hãng gọi xe công nghệ
Một trong những lý do chính khiến Gojek không thể duy trì vị thế tại Việt Nam là sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ. Grab không chỉ là hãng dẫn đầu thị trường, mà còn liên tục mở rộng dịch vụ và tăng cường sự hiện diện tại các thành phố lớn. Be, dù là thương hiệu nội địa, cũng dần khẳng định mình với tỷ lệ thị phần ngày càng cao. Sự xuất hiện của Xanh SM với dịch vụ taxi điện đã thay đổi cục diện cạnh tranh, đặc biệt khi hãng này phát triển mạnh mẽ chỉ sau hơn 1 năm ra mắt.
Ngoài ra, thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam dần trở nên bão hòa. Các ứng dụng gọi xe cạnh tranh không chỉ về giá cả mà còn về chất lượng dịch vụ, phạm vi hoạt động và các chính sách hỗ trợ tài xế. Với nguồn lực hạn chế và việc mất dần thị phần, Gojek không thể tiếp tục cạnh tranh hiệu quả trong môi trường này.
Quyết định rút lui khỏi Việt Nam không chỉ phản ánh khó khăn của Gojek tại đây mà còn phù hợp với chiến lược của công ty mẹ GoTo, tập trung vào các thị trường trọng điểm. Tại quê nhà Indonesia, Gojek vẫn đang giữ vị trí hàng đầu, với tổng giá trị giao dịch và số lượng đơn hàng đạt mức kỷ lục trong quý II/2024, tăng lần lượt 18% và 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở Singapore, Gojek cũng ghi nhận sự tăng trưởng, với thị phần tăng 3 điểm phần trăm trong quý vừa qua. Thị trường này nổi tiếng với giá trị đơn hàng trung bình cao, tiếp tục là trọng điểm trong chiến lược của GoTo.
>> Gojek rời cuộc chơi, thị phần gọi xe công nghệ của Việt Nam đang ra sao?
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/gojek-roi-viet-nam-voi-khoan-lo-6-000-ty-155654.html