Trong lý thuyết marketing, Brand equity (Tài sản thương hiệu hay giá trị thương hiệu) là một trong những giá trị cộng thêm cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp trong mắt khách hàng và người tiêu dùng. Giá trị này phản ánh cách người tiêu dùng nhìn nhận, cảm nhận, đánh giá, so sánh, phản ứng về một nhãn hiệu.
Ở Việt Nam, giá trị thương hiệu được lượng hóa, xuất hiện trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp sẽ có tên là Tài sản thương hiệu, một loại tài sản cố định vô hình, được trích khấu hao và có giá trị giảm dần theo thời gian.
Mặc dù không quá quen thuộc nhưng có thể bắt gặp khoản mục này trên BCTC hợp nhất của nhiều doanh nghiệp lớn như Thế giới di động, Vinamilk hay điển hình nhất là Masan.
BCTC hợp nhất 2022 của Masan phản ánh tài sản thương hiệu của tập đoàn đã tăng 1.284 tỷ đồng trong năm vừa qua. Theo đó, số dư tài sản thương hiệu của Masan đến cuối năm 2022 là 2.707 tỷ đồng.
Với số liệu này, nhiều khả năng, Masan là doanh nghiệp có giá trị tài sản thương hiệu trên BCTC lớn nhất Việt Nam. Điều này hoàn toàn không khó hiểu khi sau nhiều thương vụ M&A đình đám, Masan đang sở hữu hệ sinh thái với nhiều thương hiệu nổi tiếng như WinMart, WinMart+ (đã đổi tên sau khi mua lại VinMart, VinMart+ thuộc VinCommerce), Phúc Long, Vinacafe Biên Hòa, nước khoáng Vĩnh Hảo, bột giặt NET…
Dưới đây là giá trị tài sản thương hiệu của Masan trong những năm gần đây:
Nguồn: Thống kê BCTC kiểm toán của DN các năm
Có thể thấy, giá trị thương hiệu hợp nhất của Masan đã từng đạt gần 3.000 tỷ đồng vào năm 2020. Trong năm này, nguyên giá tài sản thương hiệu đã tăng 1.604 tỷ đồng từ việc hợp nhất kinh doanh. Cụ thể, Masan đã mua lại, nắm quyền kiểm soát và hợp nhất kinh doanh của những công ty sau:
– Công ty cổ phần bột giặt NET: Ngày 20/02/2020, một công ty sở hữu gián tiếp của Masan, đã mua 52,3% cổ phần của Công ty cổ phần bột giặt NET, một nhà sản xuất sản phẩm chăm sóc gia đình lâu năm trong nước với tổng số tiền bao gồm chi phí giao dịch là 565.077 triệu đồng.
– H.C. Starck Holding (German): Thông qua công ty con sở hữu gián tiếp, ngày 9/6/2020, Masan đã mua lại 100% lợi ích vốn chủ sở hữu trong H.C. Starck Holding, nhà sản xuất bột kim loại vonfram và cacbua với hoạt động trên toàn cầu.
– Công ty cổ phần 3F Việt Trì: Cũng thông qua công ty con sở hữu gián tiếp, ngày 20/11/2020, đã mua 51% cổ phần của CTCP 3F Việt, một nhà chăn nuôi và chế biến thịt gia cầm, với tổng chi phí là 614.774 triệu VND.
Trong phần “Những chính sách kế toán chủ yếu”, Masan diễn giải, thương hiệu mà Tập đoàn có được từ việc mua lại công ty con được vốn hóa và ghi nhận là tài sản cố định vô hình. Giá trị hợp lý của thương hiệu có được từ hợp nhất kinh doanh được xác định bằng cách chiết khấu khoản tiền bản quyền ước tính có thể tiết kiệm được từ việc sở hữu thương hiệu đó. Tài sản này được khấu hao theo phương pháp đường thẳng dựa trên thời gian hữu dụng ước tính từ 9 đến 30 năm.
Năm 2022, Masan chỉ có duy nhất một giao dịch hợp nhất BCTC với công ty con là CTCP Phúc Long Heritage. Đây cũng là năm nguyên giá tài sản thương hiệu của Tập đoàn đã tăng tới 1.284 tỷ đồng, đưa số dư cuối kỳ của tài sản này lên hơn 2.700 tỷ đồng.