Cung cấp thông tin tại cuộc họp báo chiều nay 9/11, ông Nguyễn Đình Phước, Kế toán trưởng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, việc điều chỉnh giá điện thực hiện theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ.
Về nguyên nhân tăng giá điện, ông Phước giải thích, năm nay có một số thông số đầu vào ảnh hưởng đến chi phí của EVN. Theo đó, sản lượng thuỷ điện giảm gần 17 tỷ kWh do hạn hán và El Nino kéo dài. Giá nhiên liệu cũng duy trì ở mức rất cao.
Cụ thể, giá than năm 2023 tăng 29 – 46% so với mức áp dụng năm 2021. Giá dầu cũng tăng khoảng 18% so với năm 2021. Đặc biệt tỷ giá ngoại tệ tăng mạnh gần 4% đến thời điểm hiện nay và ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của EVN.
“ Tập đoàn đã báo cáo các bộ, ban ngành, đánh giá tác động của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và xin ý kiến Chính phủ cho điều chỉnh giá điện. Việc giá điện tăng thêm 4,5% sẽ giúp EVN tăng doanh thu khoảng 3.200 tỷ đồng từ nay đến cuối năm.
Số tiền này giúp tập đoàn giảm bớt khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao. Giá bán lẻ điện hiện nay vẫn thấp hơn giá thành. Tuy nhiên, để đảm bảo an sinh xã hội, tập đoàn đã đề xuất tăng giá điện thấp hơn mức tăng chi phí thực tế”, ông Phước nói.
Cũng theo đại diện EVN, trong cơ cấu giá thành hiện nay, chi phí mua điện chiếm 83% chi phí giá thành của ngành điện. Gần 17% còn lại là chi phí của khâu truyền tải, phân phối. Để hạn chế tác động tăng giá, tập đoàn cũng yêu cầu các đơn vị triệt để tiết giảm, cắt giảm chi phí.
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN, tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến người nghèo, người thuộc diện chính sách. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, những nhóm đối tượng này sẽ được hỗ trợ 30 kWh đầu tiên bằng tiền. Với những hộ dùng điện nhiều nhất, từ trên 401 kWh trở lên, mỗi tháng cũng chỉ phải trả tăng thêm 55.600 đồng/tháng.
Về việc giữ giá điện thấp hơn so với giá thành, chưa tính đúng, tính đủ các chi phí và ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, đại diện EVN cho biết, Tập đoàn đã có báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương.
Cũng trả lời báo chí tại cuộc họp báo, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, việc điều chỉnh giá điện lần này vẫn chưa bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá hơn 14.000 tỷ đồng của các năm trước đây. Toàn bộ các khoản chênh lệch tỷ giá này vẫn đang được treo lại vì nếu tính vào giá điện sẽ khiến giá tăng rất mạnh.
“Tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến các ngành sản xuất, giá nguyên liệu đầu vào. Ước tính tăng giá điện sẽ làm tăng chỉ số CPI 0,035%” , ông Hòa nói.
Từ hôm nay 9/11, EVN đã quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó giá bán lẻ điện bình quân là 2006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
EVN nhận định, chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 cho thấy, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.
Theo tính toán, chi phí sản xuất điện năm 2023 vẫn duy trì ở mức cao, giá thành điện năm 2023 tiếp tục cao hơn năm 2022. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh.
Với khách hàng kinh doanh dịch vụ (547.000 khách hàng), sau khi thay đổi giá trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 230.000 đồng/tháng. Khách hàng sản xuất (có 1.909 nghìn khách hàng), sau khi thay đổi giá trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 432.000 đồng/tháng. Với khách hàng hành chính sự nghiệp (có 681 nghìn khách hàng): sau khi thay đổi giá trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 90.000 đồng/tháng.