Vào tháng 5/2024, ông Huỳnh Bảo Đức, Tổng giám đốc CTCP Khu công nghiệp Hiệp Phước (HIPC) tiếp tục ký Văn bản số 170/2024/CV-HIPC-TGĐ gửi UBND TP.HCM, khẩn thiết yêu cầu giải quyết việc xác định đơn giá thuê đất cho Khu công nghiệp Hiệp Phước.
Từ năm 2015 đến nay, do thủ tục xác định giá thuê đất chưa hoàn tất, nên việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thực hiện được, kéo theo những khó khăn nghiêm trọng trong việc thu hút đầu tư vào khu công nghiệp này.
Được biết trước đây, TP.HCM đã quy hoạch Khu công nghiệp Hiệp Phước với tổng diện tích 2.000ha tại huyện Nhà Bè, được đầu tư làm 3 giai đoạn. Đến nay, giai đoạn I (311ha) và giai đoạn II (597ha) của dự án đã xây dựng hạ tầng và cho thuê một phần.
Theo HIPC, vẫn còn 30,1ha đất thuộc giai đoạn I chưa có đơn giá thuê đất trả một lần. Nguyên nhân chính là do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chưa lựa chọn được đơn vị tư vấn thẩm định giá đất, cũng như chưa tổ chức đấu thầu để tìm đơn vị tư vấn xác định giá.
Hệ quả là HIPC không thể hoàn thành nghĩa vụ tài chính, và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn bế tắc. Ở giai đoạn II, còn tới 217ha chưa được giao thuê đất, trong khi diện tích chưa có đơn giá thuê đất hàng năm là 296ha.
Hình ảnh Khu công nghiệp Hiệp Phước
>> Tỉnh miền Bắc là ‘ngôi sao mới’ về thu hút FDI, sắp đón thêm 3 khu công nghiệp lớn
Dù các sở, ngành liên quan đã nỗ lực thực hiện các thủ tục và UBND TP.HCM đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm giải quyết vướng mắc, nhưng từ năm 2015 đến nay, vẫn chưa có sự thống nhất về đơn giá thuê đất cho Khu công nghiệp Hiệp Phước. Điều này khiến giai đoạn II của dự án không thể tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cả HIPC và các nhà đầu tư thứ cấp.
Trong văn bản gửi UBND TP.HCM, HIPC cho biết, do chưa xác định được giá thuê đất, HIPC buộc phải ngừng cho thuê đất từ năm 2018. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã thuê đất trong Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn II cũng không thể thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để triển khai dự án, xây dựng cơ sở hạ tầng, và không đủ cơ sở pháp lý để thực hiện các giao dịch đảm bảo tại các tổ chức tín dụng do không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hệ lụy lớn nhất từ sự chậm trễ này là diện tích quỹ đất công nghiệp còn trống tại Khu công nghiệp Hiệp Phước bị bỏ hoang trong thời gian dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thu hút đầu tư và nguồn thu ngân sách của thành phố. Thậm chí, sự bức xúc của các nhà đầu tư đã ký kết hợp đồng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày càng gia tăng, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư.
Trong tình cảnh chờ đợi không hồi kết, nhiều doanh nghiệp thứ cấp đang thuê đất tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, bao gồm cả các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc và Na Uy, đã gửi đơn khiếu nại tới UBND TP.HCM.
Cụ thể vào tháng 4/2023, 20 doanh nghiệp thuê đất giai đoạn II đã đồng loạt ký đơn khiếu nại tập thể, yêu cầu UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng điều khoản hợp đồng đã ký kết vào năm 2017, với cam kết nhận giấy chứng nhận vào năm 2019.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp hiện đang đối mặt với tình trạng đầu tư mất cân đối, gặp khó khăn trong việc quản lý dòng vốn, dẫn đến nguy cơ phá sản hoặc hoạt động không hiệu quả. Tới nay, bên cho thuê đất là HIPC vẫn chưa giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây thiệt hại kinh tế và vi phạm cam kết bồi thường hoàn trả các tổn thất theo hợp đồng. Tuy nhiên, HIPC vẫn chưa thực hiện trách nhiệm này.
Do đó, 20 doanh nghiệp đề nghị HIPC tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết trong hợp đồng. Đồng thời, họ cũng mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thỏa thuận lại các khoản phí bảo dưỡng cho phù hợp với tình hình, tiến độ thực hiện các cam kết.
>> Tỉnh giàu nhất Việt Nam sắp động thổ khu công nghiệp mới, có thể tạo ra 35.000 việc làm
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/khu-cong-nghiep-2-000ha-tai-tp-hcm-gan-10-nam-cho-gia-thue-dat-doanh-nghiep-fdi-keu-cuu-156582.html