Chuyển đổi số được xem là một xu thế tất yếu với mọi doanh nghiệp (DN), nếu muốn cạnh tranh và phát triển. Trong xu thế này, các DN sẽ đẩy nhanh sự chuyển dịch từ phương thức kinh doanh truyền thống, sang các phương thức kinh doanh mới, đặc biệt trên các nền tảng số, đặc biệt với những mảng đang chịu “tổn thất” nặng từ Covid-19 và liên tiếp là suy thoái kinh tế.
Nổi trội có mảng bán lẻ là ngành có quy mô lớn và đang tăng mạnh tại Việt Nam, song chịu ảnh hưởng nặng hiện nay. Theo Bộ Công Thương, thị trường bán lẻ Việt hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự kiến tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% tổng ngân sách quốc nội GDP.
Bộ cũng nhấn mạnh, có được những con số ấn tượng đó, một phần nhờ vào nỗ lực đầu tư hệ thống mạng và quản lý công nghệ thông tin của doanh nghiệp Việt. Và hôm nay, việc thúc đẩy số hoá được xem là “bài toán” lớn hỗ trợ đưa doanh nghiệp (nhất là nhóm SME) đi qua khó khăn, cũng như nhanh chóng hồi phục sau đó. Theo đó, FTI đã và đang tập trung vào nhóm SME với tham vọng đề ra từ năm nay là chiếm lĩnh từ 30% thị trường SME tại Việt Nam.
FTI cũng vừa ký kết chiến lược với Hewlett Packard Enterprise (HPE) – Aruba và AWING, mục tiêu cung cấp giải pháp mạng không dây tối ưu cho các chuỗi bán lẻ, khách sạn, F&B. Theo đó, các bên sẽ mang đến giải pháp đồng bộ, tối ưu cho doanh nghiệp từ hệ thống quản trị tập trung qua điện toán đám mây (cloud) với chi phí lại phù hợp cho mọi doanh nghiệp.
Ông Trần Hải Dương – Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc của FTI – cho biết: “Hệ thống mạng không dây tại các chuỗi retails, bán lẻ, mô hình kinh doanh ẩm thực, nhà hàng, ăn uống, vui chơi, mua sắm,… tại thị trường Việt Nam nhiều nơi chưa được đầu tư đồng bộ. Nhiều doanh nghiệp đang sử dụng nhiều thiết bị networking của nhiều hãng khác nhau, dẫn đến tình trạng khó quản lý và tốn kém nguồn lực vận hành cũng như bảo trì, nâng cấp hệ thống”.
F&B theo đánh giá là ngành cực kỳ tiềm năng cho các giải pháp mạng không dây. Theo báo cáo thị trường kinh doanh F&B do iPOS.vn công bố đầu năm 2023, ngành F&B Việt Nam có tiềm năng phát triển vô cùng lớn với giá trị thị trường dự báo đạt gần 1 triệu tỷ đồng vào năm 2026.
Được biết, mạng không dây (Wi-Fi) chất lượng cao tại các chuỗi địa điểm tiêu dùng đang là điểm khác biệt của Việt Nam so với mặt bằng chung trên thế giới. Nhiều người nước ngoài cảm thấy bất ngờ thú vị và đánh giá cao khi được trải nghiệm dịch vụ miễn phí này. Tại Việt Nam thì đây là dịch vụ bắt buộc cần phải có.
Với tiềm lực sẵn có cùng các gói dịch vụ toàn diện, FTI, Aruba và AWING đặt mục tiêu chiếm 35% thị trường bán lẻ, khách sạn, F&B tại Việt Nam vào năm 2025. Đại diện của FTI cho rằng, nhờ thấu hiểu khó khăn của khách hàng và cùng nhau hợp tác giải quyết được những khó khăn đó, bộ bên tự tin sẽ đạt thị phần này.
Trong đó, Aruba là công ty trực thuộc tập đoàn Hewlett Packard Enterprise (HPE), chuyên cung cấp giải pháp toàn diện về hạ tầng mạng có dây và mạng không dây, giúp quản lý thông qua điện toán đám mây, sử dụng trí tuệ nhân tạo để chẩn đoán, phát hiện lỗi và xử lý nhanh.
AWING là nền tảng công nghệ theo mô hình nền kinh tế chia sẻ, có thể biến đổi bất kỳ một hệ thống Wi-Fi sẵn có thành Wi-Fi marketing, liên kết thành một mạng lưới quảng cáo quy mô lớn theo địa điểm tiêu dùng (LBM, D-OOH, O2O). AWING hiện đang kết nối với hầu hết các chuỗi địa điểm lớn nhất tại Việt Nam như Highlands Coffee, Trung Nguyên Legend, GGG, GS25, 7-Eleven, Circle K, Winmart, Vincom, CGV, Sân bay… và có tới hơn 90 triệu thiết bị đã sử dụng dịch vụ trên 60 tỉnh/thành phố.