Muốn mở rộng sản xuất nhưng xin đất rất khó
Tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ IX năm 2024, diễn ra sáng 14/10, ông Nguyễn Sỹ Bính – Hợp tác xã (HTX) nuôi trồng thủy sản Phất Cờ (Quảng Ninh), cho hay, HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thủy sản cho bà con, mỗi năm doanh thu đạt 28-32 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơn bão số 3 vừa qua đã cướp đi tất cả, ước tính mỗi xã viên thiệt hại 5-6 tỷ đồng.
“Để khôi phục lại sản xuất, bà con đang gặp rất nhiều khó khăn”, ông nói và mong muốn các sở, ngành nhanh chóng vào cuộc thống kê, hỗ trợ thiệt hại sau bão. Đồng thời, ông kiến nghị tiếp tục tìm nguồn vốn cho nông dân vay, khoanh nợ, giãn nợ… để bà con đầu tư xây dựng lại cơ sở hạ tầng, phục vụ sản xuất.
Nông dân Trần Kim Phi ở Quảng Bình bày tỏ rất muốn mở rộng quy mô sản xuất. Nhưng thực tế, những người nông dân như ông đang gặp khó khăn vì thiếu quỹ đất.
“Đồng ruộng rộng mênh mông nhưng nông dân xin cấp thêm 1ha đất mở rộng sản xuất cũng rất khó. Mong cấp trên tạo điều kiện cho bà con”, ông nói.
Trong khi đó, ông Lê Anh Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Bình Minh (Đắk Nông) cho biết, HTX đang liên kết với 825 hộ nông dân trồng hồ tiêu theo tiêu chuẩn quốc tế. Qua gần 7 năm hoạt động, ông nhận thấy nông dân đang đối mặt nhiều thách thức trong việc tối ưu hóa lợi nhuận từ sản xuất.
Ông chỉ rõ, người nông dân vẫn thiếu kiến thức về thị trường, chưa có điều kiện để bảo quản nông sản đúng cách. Sau khi thu hoạch, họ phải bán ồ ạt hoặc gửi cà phê, hồ tiêu cho đại lý do thiếu kho bãi đạt chuẩn để lưu trữ hàng hóa. Điều này làm gia tăng nguồn cung quá mức trong thời điểm thu hoạch, dẫn đến giá trị xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề.
Đơn cử, thu hoạch cà phê vào tháng 2/2023, giá chỉ 50.000-51.000 đồng/kg, nếu có kho lưu trữ đến tháng 4 sẽ bán được 134.000-134.200 đồng/kg. Tương tự, giá hồ tiêu từ 70.000-72.000 đồng/kg vào tháng 6/2023, một năm sau đã leo lên 176.000-180.000 đồng/kg, cao hơn gấp đôi.
Ông Sơn nhấn mạnh, có kho lưu trữ sẽ gia tăng được lợi nhuận cho người nông dân.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cũng trăn trở làm sao phối hợp xây dựng vùng trồng ổn định cho bà con.
Ông cho biết, có thực tế là doanh nghiệp rất ngại phối hợp với bà con nông dân. Bởi, mỗi khi giá cả biến động lại có tình trạng “bẻ kèo”. Do đó, nhiều doanh nghiệp nói thà không phối hợp, khi người nông dân cần họ bán còn tốt hơn là phối hợp với họ rồi phá vỡ cam kết.
Câu chuyện đặt ra ở đây chúng ta cần xem xét làm sao thúc đẩy tốt hơn, ngay chính trong tiêu thụ nông sản của nông dân. Làm sao có sự ràng buộc uy tín cho doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân, ông chia sẻ.
‘Nói nông dân phải đi học, tôi bị ném đá’
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: “Khi chúng tôi nhận được tin nhắn của bà con, đảm bảo 5 phút sau lãnh đạo tỉnh nhận được. Tôi sẽ chuyển ngay tin tức của bà con đến lãnh đạo địa phương. Những người nông dân ở đây là những người bạn, là người đồng hành cùng chúng tôi”. Ông mong muốn bà con thường xuyên trao đổi thông tin với mình, chứ không chỉ ở diễn đàn này.
Đề cập đến cơn bão số 3 vừa qua, Bộ trưởng cho biết lần đầu tiên trong đời ông chứng kiến cơn bão khủng khiếp, sức tàn phá kinh khủng như vậy. Hôm đó đúng ngày ông đang có mặt ở Quảng Ninh.
“Sáng hôm sau, tôi ra biển chứng kiến lồng bè của bà con xơ xác, bị cuốn trôi vô cùng đau lòng”, Bộ trưởng nói. Song, bà con mình rất mạnh mẽ. Có câu “còn người còn của”, “còn thở còn gỡ”, “của đi thay người” thể hiện rất rõ lúc này. Bà con ở khắp nơi từ Lào Cai, Yên Bái hay Hải Dương… chỉ 2-3 ngày sau khi mưa lũ đi qua bắt tay gieo trồng hoa màu trở lại.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc rất nhanh, rất sớm, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cùng vào cuộc giúp bà con tháo gỡ khó khăn, tái thiết lại sản xuất và cuộc sống.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nếu sản xuất quy mô quá nhỏ thì không đánh động được thị trường. Phải liên kết qua HTX. 63 HTX ở đây lan tỏa tinh thần HTX, tinh thần của người nông dân xuất sắc ra cộng đồng để thu hút bà con tham gia.
Ông cũng mong các doanh nghiệp tham gia cùng xây dựng các HTX, giúp các bà con được thụ hưởng những lợi ích độc quyền, có như vậy mới thúc đẩy được kinh tế tập thể phát triển đúng hướng, lâu dài.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, phải tri thức hoá người nông dân, giúp họ bớt mong manh. “Nông dân phải đi học, vì câu này mà tôi bị ném đá một thời gian. Còn giờ thì mọi người đều hiểu tri thức hoá chính là sự hiểu biết. Mỗi bữa biết một chút, vài lần thì sẽ tăng sự hiểu biết, giá trị nông sản sẽ bền vững hơn”, ông nói thêm.
Cánh cửa này đóng thì sẽ có cánh cửa khác mở ra, làm sao thông tin đến nhanh được với bà con, cập nhật đầy đủ nhất.
Bộ trưởng dẫn chứng chuyện con tôm hùm bông, đùng một cái người ta không mua cỡ lớn, chỉ mua con cỡ nhỏ, vậy phải làm sao? Câu chuyện thị trường luôn có sự thay đổi bất ngờ như thế. Người nông dân phải học hỏi để tăng cường khả năng thích ứng.
Bà con hãy nhớ 3 điều: sản xuất cái gì, cho ai và sản xuất như thế nào. Người ta không mua một sản phẩm nữa mà bây giờ người ta mua cách anh tạo ra sản phẩm đó có bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường nay không?… Không gian tạo ra giá trị của ngành nông nghiệp vẫn còn mênh mông, đừng ngồi một chỗ mà hy vọng bán được giá cao, Bộ trưởng lưu ý.
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/bo-truong-le-minh-hoan-dung-ngoi-mot-cho-ma-hy-vong-ban-duoc-hang-gia-cao-167344.html