VBI Global Conference Vietnam 2023 vừa qua đã thu hút sự tham gia của hơn 120 doanh nghiệp. Trong bối cảnh doanh nghiệp “hồi hộp” chờ đợi động thái tiếp theo từ khách hàng lớn là Mỹ, VBI Global Conference Vietnam 2023 xoay quanh câu chuyện về kết nối và mở rộng mạng lưới hội nhập sâu rộng hơn ở Mỹ cũng như tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước.
Mỹ là khách hàng truyền thống và lớn nhất trong nhóm xuất khẩu của Việt Nam. Bối cảnh Covid-19, việc tích trữ hàng khiến hàng tồn của doanh nghiệp sở tại ở mức cao, điều này gây ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu trong nước 6 tháng qua. Chưa kể, đến nay dù tồn kho của Mỹ (cũng như những khách hàng lớn khác như châu Âu…) giảm, song suy thoái kinh tế toàn cầu đang là thách thức lớn hơn cho nhu cầu nhập khẩu hàng của quốc gia này. Chủ động đón đầu cơ hội, các doanh nghiệp tại VBI Global Conference Vietnam 2023 đã có những chiến lược để thúc đẩy xuất hàng trong nửa cuối năm.
Về phía VBI Global, đây là tổ chức toàn cầu kết nối người Việt về kinh doanh và đầu tư. Đây là tổ chức phi tôn giáo đăng ký pháp nhân công ty không chia lợi nhuận có trụ sở chính tại Houston, tiểu bang Texas, Mỹ. Thành viên của VBI Global là người Việt đang kinh doanh và đầu tư trên toàn cầu.
Theo số liệu thống kê Tổng cục Hải quan tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Về thị trường xuất, Tổng cục Thống kê cho hay, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44,2 tỷ USD.
Trước đó, Alibaba.com cũng nhấn mạnh tồn kho tại Mỹ giảm đang là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Nhận định tình hình hoạt động nửa đầu năm, phía Alibaba.com cho biết nhu cầu toàn cầu tăng 33% so với cùng kỳ. Dù vậy, theo số liệu thống kê thì tình hình xuất khẩu nửa đầu năm của Việt Nam giảm, đơn hàng ít đi. Tuy nhiên, đại diện Alibaba.com là ông Roger Lou, nhấn mạnh rằng phải hiểu con số này gồm hàng của doanh nghiệp FDI sản xuất tại Việt Nam và xuất đi nước ngoài, hiện chiếm phần khá lớn khoảng 75-85% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
“Theo dự đoán của chúng tôi, tồn kho tại Mỹ giảm nên đơn hàng của Mỹ càng nhiều hơn. Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) do đó cần nhanh chóng bắt được cơ hội này, khôi phục đội ngũ nhân sự, củng cố khả năng số hóa”, ông nói.
Như vậy, không chỉ doanh nghiệp lớn như dệt may, tập đoàn giày da… mà các SME, startup cũng liên kết với các cộng đồng doanh nghiệp để đón đầu cơ hội, sẵn sàng “xuất ngoại”.
Hồi tháng 5/2023, Go Global Holdings – công ty đầu tư được sáng lập bởi bà Nguyễn Phi Vân và ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, chuyên lĩnh vực nhượng quyền thương mại, đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp SME – cũng công bố ra mắt quỹ nhượng quyền vào khoảng quý 3/2023. Đây là động thái nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam trong công cuộc tìm đường “xuất ngoại”. Được biết, Go Global đang có 8 thương hiệu trong hệ sinh thái gồm Phúc Tea, Phở’S, Heramo, Run Together Vietnam… Riêng Heramo – hệ thống giặt ủi vệ sinh cao cấp 4.0 – đang cho thấy sự tăng trưởng mạnh. Thương hiệu vừa mở thêm cửa hàng nhượng quyền thứ 12 tại Bình Thạnh, Tp.HCM.
Hay ở mảng dịch cụ, FixMe – là một trong startup Việt Nam tiên phong ứng dụng công nghệ kết nối nhu cầu sửa chữa điện, điện-nước, điện lạnh và dọn dẹp nhà cửa – trong buổi ra mắt mới đây cũng tuyên bố sẽ sớm xuất khẩu sang thị trường khác. Hiện, FixMe tập trung mở rộng thị trường trong nước.
Với nhà sáng lập xuất thân từ kỹ sư điện, ông Lê Thanh Bình nhấn mạnh thấy tiềm năng vô cùng lớn của thị trường điện dân dụng tại Việt Nam. Đơn cử, tính nôm na mỗi nhà dân ở thành thị hiện có 3 cái máy lạnh. Trong đó, trung bình các hộ dân cư phải vệ sinh máy lạnh 2 lần/năm, chỉ tính trên tổng số 3 triệu căn nhà hiện hữu và còn gia tăng thì dư địa điện lạnh trong nước đã rất khủng. Và FixMe thời gian ngắn chỉ cần đạt 10% của 9 triệu lần dịch vụ vệ sinh máy lạnh Việt Nam, trước khi xuất khẩu.