Thông tin với VTC News chiều 18/7, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, cuộc làm việc giữa Vinacas với ngân hàng phía bên bán là Sacombank và ngân hàng đại diện phía bên mua là Ajman Bank PJSC – Sheikh Zayed Road Dubai Branch sơ bộ xác định, mặt pháp lý mua bán hàng, hồ sơ mua bán hàng là chuẩn nhưng người mua lô hàng gồm 1 container hạt điều và 2 container tiêu và gia vị của doanh nghiệp Việt Nam có thể là lừa đảo. Danh tính người này là ông Naeem Chaudhry, từ Công ty Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC có trụ sở văn phòng tại Al Nahda, Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE).
“Sáng nay, Vinacas đã làm việc với bên nhận hàng, bên ngân hàng và các đối tác bên đó hẹn sẽ trao đổi với phía Dubai rồi có câu trả lời vào ngày mai”, ông Nhựt nói.
Nói rõ hơn về container hàng của Công ty Tín Mai, ông Nhựt cho biết, bộ chứng từ là chính xác, đúng quy định và đã được chuyển đến ngân hàng. Tất cả đều đi đúng đường, đúng lối. Người mua hàng bên kia đã nhận được bộ chứng từ đầy đủ và đã lấy hàng ra khỏi cảng.
Theo thông lệ và quy định, sau khi lấy hàng khỏi cảng, người bán phải thanh toán tiền và người mua phải nhận được tiền trong tài khoản. Tuy nhiên, lần này người bán hàng là doanh nghiệp Việt Nam lại không nhận được tiền. Ngay lập tức doanh nghiệp Việt đã điện thoại lại cho người mua.
“Tuy nhiên, số điện thoại của doanh nghiệp mua hàng tại Dubai hiện không liên lạc được. Doanh nghiệp Việt cử người đến văn phòng của đối tác mua hàng bên Dubai thì văn phòng cũng đã đóng cửa. Văn phòng này được xác nhận trước đây đúng là của công ty đó. Nhưng sau vụ mua hàng của doanh nghiệp Việt thì đóng cửa luôn, đồng thời website đã bị xóa. Nhận định của Vinacas cũng như doanh nghiệp Việt cho thấy, người mua rất có thể là lừa đảo”, ông Nhựt nói.
Cũng theo ông Nhựt, nếu nghi vấn này là đúng thì chuyện người mua mất tích chứng tỏ là đã có chủ mưu. Tuy nhiên, việc tìm kiếm lô hàng có thể dễ hơn so với các lô hàng đã bị lừa đảo trước đó. Bởi người mua có đăng ký tài khoản ngân hàng, phải có địa chỉ, có công ty hành nghề thì ngân hàng mới được mở tài khoản. Người này cũng đã có văn phòng thuê dài hạn và làm việc lâu năm.
“Do vậy, chúng tôi đã đề nghị Đại sứ Việt Nam phối hợp với an ninh nước bạn, Chính phủ nước bạn truy tìm để người mua hàng trả tiền cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Nhựt nói.
Được biết, trước đó, vào tháng 4/2023, Công ty Tín Mai cũng đã bán một container điều cho chính Công ty Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC, cũng do ông Naeem Chaudhry giao dịch trực tiếp. Và ngay sau khi hàng đến nơi, doanh nghiệp Việt đã được thanh toán tiền đầy đủ, đúng hạn. Lần này là lần thứ hai họ tiếp tục giao dịch thì lại xảy ra sự cố.
Như VTC News đưa tin , Công ty Tín Mai (hội viên Vinacas) ký hợp đồng bán nhân điều cho Công ty Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC có trụ sở văn phòng tại Al Nahda, Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Người giao dịch trực tiếp là ông Naeem Chaudhry.
Phía khách hàng đã ứng 15% số tiền hàng, sau đó, Công ty Tín Mai giao hàng. Ngày 24/6, hàng đến cảng Jebel Ali, UAE. Hàng đã được lấy và trả lại container rỗng vào ngày 27/6, nhưng phía Công ty Tín Mai vẫn chưa nhận được khoản thanh toán 85% trị giá tiền còn lại của lô hàng.
Ngân hàng phía bên bán là Sacombank đã gửi 2 điện (Swift) đến ngân hàng bên mua là Ajman Bank PJSC – Sheikh Zayed Road Dubai Branch yêu cầu thanh toán và hoàn trả bộ chứng từ nhưng không được thực hiện.
Qua kiểm tra của phía doanh nghiệp, bộ chứng từ lô hàng đã được Công ty chuyển phát DHL giao cho một nhân viên an ninh của ngân hàng Ajman Bank PJSC – Sheikh Zayed Road Dubai Branch – nhưng chưa biết sau đó bộ chứng từ đến đâu. Còn hãng tàu cho biết, đơn vị đã thực hiện bàn giao hàng khi có đầy đủ chứng từ theo quy định.
Ngoài trường hợp của Công ty Tín Mai, còn ít nhất 2 doanh nghiệp trong ngành tiêu và cây gia vị gặp tình trạng tương tự với cùng một khách hàng và ngân hàng nói trên.