Ngành công nghiệp game tại Việt Nam đang có sự tăng trưởng vượt bậc, trở thành một trong những lĩnh vực công nghệ thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo báo cáo từ Newzoo, Việt Nam nằm trong Top 5 về phát hành game trên thế giới.
Với 54,6 triệu người chơi game, doanh thu toàn ngành năm 2023 là 507 triệu USD, trong đó mảng game liên quan đến eSports đạt được nhiều thành tích cao. Dự kiến năm 2026, doanh thu từ game và ứng dụng tại Việt Nam sẽ đạt 2,7 tỷ USD.
Tại Việt Nam, doanh nghiệp game nổi tiếng có thể kể đến như VNG, VTCGame và Funtap. Bên cạnh những tên tuổi này, có một nhà phát hành game đang nổi lên như ‘ông lớn’ của thị trường này chính là Garena.
Garena là nhà phát triển game Liên Minh Huyền Thoại
Garena – Công ty cổ phần Giải trí và Thể thao Điện tử Việt Nam nổi tiếng với nhiều tựa game thu hút lượng lớn người chơi, như Liên Minh Huyền Thoại, FIFA Online 3, Free Fire và Liên Quân Mobile. Trong đó, Free Fire – một game bắn súng sinh tồn do Garena phát triển – đã ghi dấu ấn khi trở thành trò chơi di động được tải nhiều nhất trên thế giới trong các năm 2019 và 2020, theo App Annie. Đồng thời, Garena cũng là đơn vị tổ chức các giải đấu thể thao điện tử lớn trên toàn cầu.
Garena Việt Nam được thành lập vào tháng 6/2009 với tên gọi ban đầu là Công ty Cổ phần Garena Việt Nam, sau đó đổi thành Công ty Cổ phần Giải trí và Thể thao Điện tử Việt Nam. Các cổ đông sáng lập bao gồm Lê Quang Trà, Mai Thanh Bình và Mai Thị Hoà, nhưng cả ba đã chuyển nhượng cổ phần.
Hiện tại, ông Mai Minh Huy nắm giữ 69,5% cổ phần, ông Lê Minh Trí nắm giữ 0,5% và cổ đông lớn từ nước ngoài là Garena Vietnam Private Limited – công ty con của Tập đoàn Sea Limited (Singapore) – sở hữu 30% còn lại.
>> Cận cảnh VNG Campus, trụ sở hiện đại bậc nhất Việt Nam của kỳ lân công nghệ VNG (VNZ)
Vốn điều lệ của công ty khá mỏng ở mức 9 tỷ đồng, người đại diện pháp luật là Tổng Giám đốc Vũ Chí Công. Doanh nghiệp game này có ba công ty con là Công ty TNHH Dịch vụ phần mềm Hoà Thái; Công ty TNHH Dịch vụ phần mềm Thiên Bình và Công ty TNHH Dịch vụ phần mềm Bình Minh.
Bức tranh tài chính của Garena Việt Nam
Garena Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu trong những năm gần đây, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19. Với việc chủ yếu hoạt động trên môi trường điện tử, Garena đã tận dụng tốt thời gian giãn cách xã hội, khi nhiều người dành thời gian chơi game nhiều hơn và mua thẻ nạp để sử dụng các vật phẩm trong game.
Theo Công ty Nghiên cứu Thị trường Newzoo, Đông Nam Á – trong đó có Việt Nam – là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng ngành game di động nhanh nhất thế giới, với mức tăng trưởng trung bình 7,4%/năm giai đoạn 2022-2025.
Dữ liệu từ VietnamFinance cho thấy, mặc dù Garena có doanh thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp lại không ổn định. Năm 2014, doanh thu của Garena đạt 1.236 tỷ đồng nhưng công ty báo lỗ 16 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2020-2022, Garena tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 5.296 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 143 tỷ đồng năm 2020. Năm 2021, doanh thu công ty tăng lên 6.062 tỷ đồng, lãi sau thuế giảm xuống còn 102 tỷ đồng. Tới 2022, doanh thu tiếp tục tăng đạt mức 6.908 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 114 tỷ đồng.
Bước sang năm 2023, Garena ghi nhận sự sụt giảm doanh thu đáng kể, xuống còn 5.361 tỷ đồng, giảm hơn 1.500 tỷ đồng so với năm 2022. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại tăng mạnh, đạt 215 tỷ đồng, tăng gấp gần 1,9 lần so với năm trước. Điều này cho thấy Garena đã có những điều chỉnh chiến lược để cải thiện hiệu quả kinh doanh, dù doanh thu không còn giữ được mức cao như trước.
Các chỉ tiêu tài chính của Garena qua các năm. Nguồn: Công Luận
Quy mô doanh thu liên tục tăng trưởng, biên lợi nhuận của Garena lại vô cùng thấp, chỉ ở mức 2% tại năm 2022, tương đương mỗi 100 đồng doanh thu chỉ mang về 2 đồng lợi nhuận.
Mức lợi nhuận rất thấp như vậy khiến Garena Việt Nam chỉ phải đóng lượng thuế chưa đến 26 tỷ đồng trong năm 2022 cho mức doanh thu hơn 6.900 tỷ đồng mang về. Lượng thuế phải đóng chỉ tương đương số tiền mà Garena Việt Nam kiếm về trong 2 ngày.
Có thể thấy, thực tế, các công ty game tại Việt Nam chủ yếu phát hành game nước ngoài. Trong đó doanh nghiệp sẽ phải mua bản quyền game về phát hành và phải chịu một khoản phí phát hành tương đối cao. Những chi phí cho các hạng mục như: bản quyền, cổng thanh toán trung gian, chi phí marketing được các nhà phát hành đưa ra như lý do khiến gần như toàn bộ doanh thu ngành game bị bào mòn.
>> Đại gia Cao Toàn Mỹ trong vụ kiện ‘hợp đồng tình tiền’: Đồng sáng lập ra VinaGame (VNZ), bán ‘lúa non’ thu về trăm tỷ
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/dai-gia-game-viet-dung-sau-thanh-cong-cua-lien-minh-huyen-thoai-doanh-thu-nghin-ty-lai-tram-ty-157255.html