Cụ thể, tháng 2/2016, HNG phát hành riêng lẻ 59 triệu cổ phần với giá bình quân 28.000 đồng/cp cho 2 nhà đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh và Công ty TNHH Đầu tư Cao su Cường Thịnh trong khi thị giá trên sàn chỉ 8.000 – 9.000 đồng/cp.
An Thịnh và Cường Thịnh – 2 doanh nghiệp cùng có vốn điều lệ 30 tỷ đồng – đã bỏ ra 1.650 tỷ đồng để mua số cổ phần trên, “lỗ” ngay 1.100 tỷ đồng nếu so với giá thị trường. An Thịnh mua 31,5 triệu cổ phiếu (882 tỷ) và Cường Thịnh mua 27,5 triệu cổ phiếu (770 tỷ).
Nhưng ngay sau đó, vào tháng 3/2016, HNG đã dùng 1.650 tỷ đồng để mua lại 100% cổ phần tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương từ chính An Thịnh và Cường Thịnh. Theo phương án chào bán cổ phần riêng lẻ mà HNG công bố ban đầu, mục đích của đợt chào bán nhằm bổ sung nguồn vốn cho các dự án của HNG.
Tiếp tục, giai đoạn tháng 4 – 6/2016, toàn bộ 50 triệu cổ phiếu HNG đã được An Thịnh và Cường Thịnh đem thế chấp làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại VPBank.
Đây là giai đoạn Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của bầu Đức đối mặt với áp lực trả nợ vô cùng lớn. Tính đến cuối năm 2015, nợ phải trả của HAGL lên đến 32.900 tỷ đồng, trong đó có sự góp mặt của gần chục ngân hàng thông qua vay nợ trực tiếp hoặc mua trái phiếu.
Ba chủ nợ lớn nhất khi ấy của HAGL gồm: BIDV với hơn 10.000 tỷ đồng, Eximbank với gần 4.000 tỷ đồng và VPBank với 2.800 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước và các NHTM cho HAGL vay đã phải họp để tìm phương án.
Đến năm 2018, sau bức thư cầu cứu của bầu Đức, tập đoàn Thaco của ông Trần Bá Dương đã rót tỷ đô mua lại HAGL Agrico và vẫn đang trên con đường khó khăn để khôi phục doanh nghiệp này.
Năm 2022, thông tin về An Thịnh xuất hiện nổi bật trở lại khi phát hành thành công 650 tỷ đồng trái phiếu vào tháng 2. Vài tuần sau, ngày 21/2/2022, Công ty TNHH Đầu tư Cao su Cường Thịnh cũng huy động thành công 545 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu. Các lô trái phiếu này đều có kỳ hạn 2 năm.
Mới đây, theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh công bố tình hình tài chính năm 2022 với số lỗ sau thuế là 341,5 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đã âm gần 1.238 tỷ đồng. Năm trước đó, công ty này lỗ 129 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 896 tỷ đồng.
Như vậy, nợ phải trả của An Thịnh tính đến cuối năm 2022 là 1.571 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu là 650 tỷ đồng.
HAGL: Em trai bầu Đức bán hết cổ phiếu HAG ở vùng giá thấp, dự thu gần 4 tỷ đồng