Trong chuyến công tác gần đây đến Trung Quốc, ông Đỗ Cao Bảo – một trong những lãnh đạo kỳ cựu của Tập đoàn FPT – đã có dịp trực tiếp trải nghiệm hệ thống hạ tầng đường sắt cao tốc của nước này. Chia sẻ trên trang cá nhân, ông không giấu được sự ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến quy mô khổng lồ và mức độ hiện đại của các nhà ga cao tốc tại đây.
Diện tích “vượt mặt” nhiều sân bay lớn, sức chứa tới 80.000 người
Đặc biệt gây ấn tượng với ông Đỗ Cao Bảo là nhà ga Bắc Tây An, nằm tại thành phố Tây An – nơi chỉ xếp thứ 81 trong số các thành phố Trung Quốc về GDP bình quân đầu người. Tuy nhiên, nhà ga tại đây lại có diện tích lên tới 533.000m2, lớn hơn cả sân bay quốc tế Hồng Kông (380.000m2) và sân bay Kuala Lumpur (390.000m2), gần bằng sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok (563.000m2).
Nếu tính thêm hai tầng hầm B1 và B2 dành cho tuyến metro, tổng diện tích sử dụng của cụm nhà ga này còn lớn hơn nữa.
Với 34 đường ray, nhà ga có thể cho phép 34 đoàn tàu dừng hoặc chạy qua cùng lúc. Theo ông Đỗ Cao Bảo, cấu trúc này không phải là ngoại lệ, mà là thiết kế phổ biến tại nhiều nhà ga cao tốc khác như Quảng Châu, Hạ Môn, Lạc Dương.
Bức ảnh được ông Đỗ Cao Bảo chụp tại nhà ga Bắc Tây An
Để vận hành hiệu quả, nhà ga Bắc Tây An được trang bị 152 máy check-in tự động: công dân Trung Quốc quẹt căn cước công dân, người nước ngoài dùng hộ chiếu. Sức chứa tại cùng một thời điểm lên tới 80.000 hành khách.
Hiện nay, nhà ga này vận hành 252 chuyến tàu mỗi ngày, tức trung bình 5 phút một chuyến, trong đó có 80 chuyến tàu chạy tốc độ 350km/h (15 phút một chuyến). Tổng lượng hành khách năm 2024 là 48 triệu người.
Những con số khiến nhiều người phải “choáng”
Ông Đỗ Cao Bảo chia sẻ, để tận mắt cảm nhận quy mô, ông đã thử đi bộ dọc ngang nhà ga Bắc Tây An, nhưng mới chỉ đi được nửa chiều dài và chiều rộng thì phải quay lại lên tàu. Theo ước tính cá nhân ông, nhà ga dài khoảng 550m, rộng khoảng 320m.
Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên hơn là nhiều nhà ga tại Trung Quốc còn lớn hơn nữa. Đơn cử, ga Nam Quảng Châu có diện tích tới 615.000m2 (dài 590m, rộng 350m, 3 tầng, chưa tính metro). Lần đầu đến đó vào năm 2019, ông Bảo cũng từng “choáng váng” khi đứng giữa không gian rộng lớn của nhà ga này.
Chưa dừng lại, theo công bố, ga Bắc Trùng Khánh có diện tích tới 930.000m2, còn ga Hồng Kiều Thượng Hải lên tới 1.300.000m2 – quy mô tương đương một thành phố nhỏ.
Không còn là “nhà ga”, mà là “đại nhà ga”
Ông Đỗ Cao Bảo cho rằng với quy mô như vậy, gọi những công trình này là ‘nhà ga’ nghe có vẻ không đúng – nên gọi là ‘đại nhà ga’ thì hợp lý hơn. Hiện Trung Quốc sở hữu một loạt nhà ga đường sắt cao tốc có quy mô khổng lồ, có thể kể tên như: Nam Bắc Kinh, Hồng Kiều Thượng Hải, Bắc Trùng Khánh, Nam Quảng Châu,…
Với hệ thống “đại nhà ga” trải khắp cả nước, kết nối bằng mạng lưới tàu cao tốc hiện đại, Trung Quốc đang chứng minh năng lực triển khai hạ tầng giao thông ở tầm vóc gần như chưa từng có trong khu vực.
Ông Đỗ Cao Bảo là một trong những thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, đồng thời là một trong những chuyên gia công nghệ thông tin uy tín hàng đầu tại Việt Nam. Giai đoạn 1994–2015, ông là người dẫn dắt FPT trở thành doanh nghiệp dẫn đầu thị trường tích hợp hệ thống và phát triển phần mềm tại Việt Nam.
Trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Nhân sự và Lương thưởng, ông Đỗ Cao Bảo giữ vị trí then chốt trong việc hoạch định chiến lược nhân sự, luân chuyển lãnh đạo cấp cao và đào tạo đội ngũ kế cận – những yếu tố cốt lõi giúp FPT duy trì sự phát triển bền vững.
>>Sếp FPT nói về thị trường Trung Đông: Không thiếu tiền, nhưng muốn vào phải ‘chơi được với hoàng gia’
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/sep-fpt-sung-sot-truoc-dai-nha-ga-trung-quoc-dien-tich-lon-hon-san-bay-hong-kong-du-suc-chua-80-000-hanh-khach-213433.html