Chia sẻ tại diễn đàn doanh nghiệp 2024 “Khơi thông động lực tăng trưởng mới” chiều 12/4, ông Nguyễn Tú Anh – Giám đốc Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương – nhận định, kinh tế Việt Nam trong quý I ghi nhận tăng trưởng tích cực so với những năm gần đây. Xuất khẩu bắt đầu có tăng trưởng dương từ tháng 9/2023. Giải ngân vốn đầu tư đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng có xu hướng tăng. Tính chung 3 tháng đầu năm đạt hơn 4,6 tỷ USD. Đầu tư công cũng tăng tốc giải ngân, tăng trưởng trên 22% trong quý I.
Tuy nhiên, ông Tú Anh cho rằng, bên cạnh yếu tố thuận lợi, nền kinh tế vẫn tồn tại khó khăn. Cụ thể,
khả năng tiếp cận vốn
của doanh nghiệp còn khó, thị trường trái phiếu ảm đạm, thị trường bất động sản chưa khởi sắc.
Bà Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – cho rằng năng lực hấp thụ tín dụng của doanh nghiệp đang ở mức thấp. “Mặt bằng lãi suất huy động đã giảm khá sát so với
lạm phát
nên dư địa tiếp tục giảm lãi suất huy động để giúp giảm lãi suất cho vay khó khả thi”, bà Minh lưu ý.
Theo bà Minh, chi phí của một số hàng hóa, dịch vụ đầu vào đang chịu áp lực tăng. Cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành du lịch, đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để duy trì khả năng cạnh tranh. Giá vé máy bay cao kìm hãm du lịch, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Thay mặt cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme – nêu ra những khó khăn doanh nghiệp gặp phải:
Thiếu đơn hàng
(52%), khó tiếp cận vốn (32%), thủ tục hành chính còn rườm rà (25%), lo ngại hình sự hoá trong hoạt động kinh tế (9%)…
Ông Quốc Anh cũng bày tỏ băn khoăn, khi
quy mô doanh nghiệp
ngày càng bé, ít đi những doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt thì Nhà nước cần bồi đắp để có nhiều hơn những doanh nghiệp lớn hùng mạnh, dẫn dắt
doanh nghiệp nhỏ và vừa
đi theo. “Chỉ doanh nghiệp lớn mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, kéo việc về cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Quốc Anh chia sẻ.
Về giải pháp
hỗ trợ doanh nghiệp
, ông Quốc Anh đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép doanh nghiệp giãn, hoãn, giảm thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc cho phép chậm nộp các loại thuế trong 6 tháng, với thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu. Cùng đó, thuế đất tiếp tục giảm 50% trong năm nay và 6 tháng của năm 2025.
“Tiếp tục cải thiện
môi trường đầu tư kinh doanh
thiết thực và hiệu quả với phương châm phục vụ doanh nghiệp, giảm các chi phí mặt hàng thiết yếu như là nguyên liệu chính trong hoạt động của doanh nghiệp như điện, nước, xăng dầu… thu hút đầu tư”, ông Quốc Anh đề xuất.
Với ngành
xây dựng
, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) – cho biết, dù chỉ tiêu công nghiệp xây dựng tăng cao trong quý I, nhưng doanh nghiệp trong ngành chưa hết khó. “Công nghiệp xây dựng tăng vì đầu tư công, nhưng 93-94% doanh nghiệp xây dựng có quy mô nhỏ, vừa, không đủ điều kiện tham gia các gói thầu hạ tầng kỹ thuật lớn, cao tốc”, ông Hiệp cho biết.
Chủ tịch VACC kiến nghị cần có cuộc gặp giữa doanh nghiệp xây dựng với Thủ tướng để chia sẻ những khó khăn hiện nay và có cơ chế bảo vệ các nhà thầu.
Nguồn tin: https://cafef.vn/de-xuat-cho-phep-doanh-nghiep-cham-nop-thue-trong-6-thang-188240412202535219.chn