Dragon Financial Holdings Limited (DFHL) là quỹ ngoại do Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL – thành viên do Dragon Capital quản lý) sở hữu 90%. Tại thời điểm Dragon Capital rót vốn vào tháng 12/1996 thì chủ tịch ACB hiện năm là ông Trần Hùng Huy mới 18 tuổi.
Gần đây, DFHL thông báo đã bán ra 121 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Á Châu (mã ACB) trong ngày 7/8. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của quỹ ngoại này đã giảm từ 6,92% xuống còn 3,8% tương ứng lượng nắm giữ còn lại 147,77 triệu đơn vị.
Cùng ngày diễn ra giao dịch (7/8), thị trường cũng xuất hiện giao dịch thoả thuận rất lớn tại cổ phiếu ACB với tổng khối lượng 122,67 triệu đơn vị. Tổng giá trị giao dịch lên đến hơn 3.200 tỷ đồng tương ứng giá thoả thuận bình quân 26.100 đồng/cp. Tạm tính theo mức thị giá này, Dragon Financial Holdings Limited có thể thu về hơn 3.158 tỷ đồng (khoảng 132 triệu USD) từ thương vụ trên.
Dragon Financial Holdings Limited đầu tư vào cổ phiếu ACB từ năm 1996. Sau nhiều lần mua bán, tính đến cuối năm 2018, báo cáo thường niên của VEIL cho biết giá vốn của khoản đầu tư này là 28 triệu USD.
Từ đó đến trước giao dịch mới đây, DFHL không giao dịch gì thêm do vậy giá vốn không đổi.
Gần đây vào tháng 6/2023, ACB trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Với việc sở hữu 269 triệu cổ phiếu, Dragon Financial Holdings Limited thu về 269 tỷ đồng (hơn 11 triệu USD). Đây là đợt trả cổ tức bằng tiền mặt đầu tiên của ACB từ năm 2016 tới nay.
Tại mức giá 26.100 đồng, 269 triệu cổ phiếu ACB mà DFHL nắm giữ có trị giá hơn 7.000 tỷ đồng, tương đương 295 triệu USD.
Như vậy tính cả cổ tức thì tại thời điểm DFHL bán bớt, lượng cổ phiếu ACB mà quỹ nắm giữ có trị giá hơn 306 triệu USD. Do VEIL chỉ nắm 90% lợi ích của DFHL nên phần sở hữu thuộc về VEIL tương ứng là 275 triệu USD – tăng gấp gần 10 lần so với giá vốn đầu tư là 28 triệu USD.
Con số chỉ mang tính chất tương đối do 28 triệu USD không phải giá vốn khoản đầu tư từ ban đầu, Dragon Financial Holdings Limited đã nhiều lần mua thêm và chuyển đổi trái phiếu hoán đổi thành cổ phiếu cũng như chưa tính khoản cổ tức bằng tiền nhận được trước năm 2016.
Tỷ suất lợi nhuận 8,9%/năm trong 27 năm cho một khoản đầu tư bằng đồng USD cũng không phải là thấp. Tuy nhiên, nếu như Dragon Financial Holdings Limited không sớm thoái hết vốn vào khoản đầu tư cũng từ năm 1996 vào VPBank thì tỷ suất lợi tức nhận được còn cao hơn thế.
Theo đó, cũng trong năm 1996, Dragon Financial Holdings Limited đã mua 10% vốn cổ phần của VPBank nhưng quỹ không giữ VPB lâu như ACB.
Theo trang Private Equity Wire, năm 2007, quỹ đã bán đi một phần khoản đầu tư này khi giá cổ phiếu VPB tăng cao và bằng 10 lần giá trị sổ sách khi đó.
Theo báo cáo thường niên năm 2008 của VPBank, Dragon Financial Holdings Limited sở hữu 17,6 triệu cổ phiếu VPB, tỷ lệ 8,31%.
Đến tháng 3/2010, quỹ đã bán sạch khoản đầu tư tại ngân hàng này với định giá bằng 2,5 lần giá trị sổ sách (P/B trung bình của ngành ngân hàng khi đó chỉ ở mức 1,2x). Tổng cộng, khoản đầu tư này lãi 2,7 lần, tỷ suất sinh lời IRR đạt 21%.
Theo báo cáo tài chính năm 2009 của VPBank, giá trị sổ sách ở mức khoảng 12.000 đồng/cp, tức quỹ đã bán 8,31% vốn tại VPB với giá 30.000 đồng/cp tương đương việc định giá ngân hàng này khoảng 6.400 tỷ đồng (khoảng 330 triệu USD theo tỷ giá tại thời điểm đó).
Dragon Capital quay trở lại đầu tư vào VPB năm 2017 khi ngân hàng này tiến hành IPO và niêm yết. VEIL cùng các quỹ khác do Dragon Capital quản lý hiện nắm khoảng gần 6% cổ phần của ngân hàng này.
Gần đây, Dragon Financial Holdings Limited tiếp tục lên kế hoạch hơn 50 triệu cổ phiếu VPB (tỷ lệ sở hữu 0,74%) với giá 23.450 đồng/cp. Hiện nay, vốn hóa thị trường của VPBank đạt khoảng 150.000 tỷ đồng (khoảng 6,27 tỷ USD), gấp gần 19 lần định giá của VPB khi Dragon Financial Holdings Limited bán ra , tức cao gấp nhiều lần giá mua hồi năm 1996.