CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF) vừa thông báo phát hành thành công 600 trái phiếu riêng lẻ vào ngày 16/3, tổng giá trị huy động theo mệnh giá 600 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu chuyển đổi có kỳ hạn 7 năm.
Theo điều khoản, sau 6 năm phát hành, BAF phải mua lại 1/2 khối lượng đang lưu hành tại thời điểm đó. Công ty sẽ mua tất toán toàn bộ phần còn lại sau 7 năm (tức ngày 16/3/2030).
Trái chủ duy nhất trong đợt phát hành là Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), ngày chuyển giao trái phiếu dự kiến vào 14/4. Chứng khoán EuroCapital là tổ chức lưu ký. Theo số liệu của HNX, lô trái phiếu này có lãi suất cố định chỉ 5,25%/năm.
Trái phiếu chuyển đổi là công cụ lồng ghép (hybrid) giữa trái phiếu doanh nghiệp thông thường và quyền mua cổ phiếu. Chi phí phát hành và lãi suất của loại trái phiếu này thấp hơn so với phát hành trái phiếu thông thường cũng như so với lãi ngân hàng.
Số tiền thu về dự chi mở rộng các trang trại và nhà máy chăn nuôi. Được biết, BAF thành lập vào năm 2017, hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi heo. Từng có ý định từ bỏ sau 2 năm gia nhập ngành, đại diện là ông Trương Sỹ Bá cho biết Công ty đã nhìn thấy cơ hội thị trường vào cuối năm 2019 – sau khi dịch tả lợn bùng phát.
Do đo, từ năm 2022, BAF đầu tư mạnh cho mảng heo. Tính đến hiện tại, BaF đang sở hữu 28 trại, bao gồm 17 trại đã vận hành và 11 trại đang phát triển trải dài trên khắp cả nước. Công ty định hướng nâng số lượng trại lên 40 trại dựa trên quỹ đất lớn sẵn có.
Ghi nhận trong năm 2022, BAF cho biết đã đầu tư thêm 7 trang trại mới tại Tây Ninh và Phú Yên, nâng tổng số trang trại lên 22 so với 15 vào năm 2021. Các trang trại mới đi vào hoạt động đã nâng quy mô tổng đàn lên 200.000 con – tăng 57% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, Công ty cũng đưa nhà máy thức ăn chăn nuôi mới tại Nghệ An với công suất 180.000 tấn/năm vào hoạt động, nâng tổng công suất sản xuất lên 460.000 tấn/năm vào năm 2022 – gấp 8 lần so với năm 2021.
2022 cũng là năm BAF ra mắt thương hiệu Heo ăn chay với công thức cám riêng. Hiện, BAF đang phân phối thịt lợn thông qua hai kênh là kênh phân phối truyền thống (các chợ lớn tại TP.HCM và các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An) và kênh phân phối hiện đại gồm hệ thống siêu thị Siba Food và hệ thống cửa hàng Meat shop.
Sang năm 2023, dù thị trường khó khăn, ông Sỹ Bá vẫn cho thấy kế hoạch đầu tư lớn.
Cụ thể, Công ty dự kiến xây dựng thêm 3 trang trại mới tại Bình Phước và Nghệ An, với tổng công suất 11.250 lợn giống và 120.000 lợn thịt), tăng tổng đàn lên 65,5% so với cùng kỳ, ghi nhận tại báo cáo mới đây của VNDirect.
BAF cũng dự kiến mở rộng hệ thống phân phối, nâng số lượng siêu thị Siba Food và Meat shop lên 72/600 cửa hàng, lần lượt tăng 20%/100% vào 2023.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh thị trường đang gặp thách thức, giá heo về mức thấp và chưa hồi phục. Riêng BaF, quý 4/2022 Công ty thoát lỗ nhờ lợi nhuận khác.
Luỹ kế cả năm 2022, BAF ghi nhận doanh thu giảm 32,5%; trong đó doanh thu mảng 3F tăng 72,5% đã bù đắp phần nào cho mức sụt giảm 40,7% trong mảng kinh doanh nông sản.