Cụ thể, trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, về khoản thua lỗ của EVN, rất có thể có một phần nguyên nhân do việc điều hành chưa tốt, dẫn đến phát sinh chi phí cao. Vì thế, cần phải xem xét lại chi phí hệ thống vận hành đường truyền tải điện, chi phí cho sản xuất điện của EVN khi nhiều chuyên gia vẫn lo ngại chi phí này quá lớn do bộ máy hoạt động cồng kềnh.
“Có một giai đoạn, dư luận nghi vấn việc EVN lấy tiền tích lũy để đầu tư vào bất động sản, khu nghỉ dưỡng dẫn đến thua lỗ, rồi tính vào giá điện, tôi không rõ đến nay, việc điều tra vấn đề này thực hiện đến đâu mà chưa thấy công khai”, ông Vân băn khoăn.
Theo đại biểu Lê Thanh Vân, cũng như ông, nhiều đại biểu Quốc hội khác cho rằng cần thanh, kiểm tra vai trò của EVN để trả lời cho Quốc hội biết việc quản lý, quản trị của doanh nghiệp này như thế nào, tại sao năm nào cũng thua lỗ, rồi lại tính hết vào giá điện, cuối cùng người dân phải gánh chịu. Nếu thua lỗ do sản xuất, điều hành yếu kém, không chịu tiết kiệm bộ máy và những chi phí phát sinh khác thì cần phải điều chỉnh lại.
Tương tự, đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Vệc ngành điện báo lỗ tôi đề nghị làm rõ xem EVN báo lỗ do nguyên nhân gì? Do chi phí cao từ hao hụt truyền tải, nhân lực quá cồng kềnh, đầu tư không đúng nên bị thất thoát ngân sách hay anh bán điện giá thấp cho dân, thu hồi lại ít nên bị thua lỗ?”.
Tại phiên thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước 2022 và những tháng đầu năm 2023 sáng 31/5, đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) nêu ý kiến: ” Cần thiết phải làm rõ khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng của EVN một cách tường minh “.
Liên quan tới vấn đề về điện, đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) cho rằng, cần sớm huy động sản lượng lớn điện gió, mặt trời đã hoàn thành lên lưới điện. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp điện tái tạo đang gặp khó khăn, điêu đứng, trong khi đó các dự án đầu tư xong nhưng không vận hành được thương mại là sự lãng phí quá lớn nguồn lực đất nước.
Tại thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội ngày 25/5, đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) cũng phản ánh tình trạng người dân bức xúc vì sao hiện nay phải đi nhập khẩu điện trong khi 4.600 MW điện gió, điện mặt trời không được hòa mạng, không bán được bán lên lưới điện. “Vì sao thế? Đây cũng là tài sản quốc gia chứ, sao lại lãng phí như thế?”, ông Minh nêu câu hỏi.
Ông Minh đặt vấn đề, nguyên nhân khiến các nguồn điện này không được huy động là do sai về thủ tục, sai về quy chế nhưng thủ tục là do ta đặt ra, tại sao không cải tiến thủ tục này để hòa lưới 4.600 MW, mà lại phải đi mua điện từ nước ngoài?
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/6, trả lời câu hỏi báo chí về tình trạng thiếu điện và giải pháp để bảo đảm điện cho sinh hoạt và sản xuất trong thời gian tới, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận, ngay thời điểm hiện nay, một số nơi đang thiếu điện, kể cả cho sản xuất lẫn điện sinh hoạt.
” Hiện nay một số nơi đang thiếu điện cho sản xuất và phục vụ đời sống của nhân dân. Tôi xin bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp, nỗi khổ và sự bất tiện của người dân “, ông Đỗ Thắng Hải nói.
Về nguyên nhân, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, từ tháng 5 đến nay, tình trạng nắng nóng kỷ lục trên cả nước, diễn biến phức tạp, kéo dài dẫn đến tăng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt. Trong khi nước về các hồ thủy điện ở phía Bắc thấp, gây ảnh hưởng đến việc cung ứng điện cho mùa khô năm 2023. Ngoài ra, nguồn than nhập khẩu về chậm hơn so với nhu cầu cung ứng cho sản xuất điện.
Trước tình hình khó khăn trên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng điện mức cao nhất, đặc biệt là trong giai đoạn ngắn hạn. Bộ Công Thương thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng với các giải pháp quyết liệt khẩn trương, đảm bảo cung ứng điện trong mùa nắng nóng.
Còn tại cuộc họp của Bộ Công Thương về tình hình cung ứng điện và huy động các nguồn điện tái tạo chuyển tiếp ngày 26/5, ông Đặng Hoàng An – thứ trưởng Bộ Công Thương – đã trả lời về khoản lỗ của EVN. Theo ông An, Việt Nam đã vận hành thị trường điện cạnh tranh với 3 cấp độ. Trong đó thị trường phát điện cạnh tranh vận hành từ ngày 1/7/2012. Như vậy theo nguyên tắc, EVN sẽ mua các nguồn điện có giá thấp đến giá cao.
Theo đó, các nguồn từ thủy điện, điện than, khí, dầu, năng lượng tái tạo đều bán hết cho EVN. Tập đoàn này đơn vị duy nhất đứng ra mua điện để bán lại cho khách hàng. Vì vậy, nếu huy động nguồn điện giá cao khiến các chi phí đội lên, EVN đều phải gánh.
Như vậy, thị trường đang vận hành theo nguyên tắc EVN đang đóng vai trò “mua hộ” và phải chịu các chi phí tăng cao khi giá mua điện tăng. Điều này đồng nghĩa, giá đầu vào theo thị trường, còn đầu ra bị khống chế, không theo thị trường, là lý do khiến EVN lỗ.
Mới đây, Bộ Công Thương công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn EVN. Theo đó, kết quả cho thấy, năm 2022, EVN đã lỗ hơn 26.235 tỷ đồng.
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ hơn 36.294 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058 tỷ đồng. Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện (bao gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng, lãi tiền gửi…) năm 2022 của EVN lỗ 26.235 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác)