Thương mại song phương phi dầu mỏ giữa Việt Nam và Dubai tăng 12,2% trong năm 2023, đạt giá trị 8,6 tỷ USD. Riêng Tp.HCM, UAE hiện đứng thứ 42/120 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào thành phố với 27 dự án. Vào cuối năm 2023, bất chấp những phức tạp toàn cầu, xuất khẩu của thành phố sang UAE đã tăng hơn 4% so với năm 2022, đạt tổng trị giá gần 340 triệu USD.
Tính đến cuối năm 2023 có tổng cộng 118 công ty Việt Nam đã đăng ký làm thành viên của Phòng Thương mại Quốc tế Dubai, và đã nhận được những quyền lợi từ các sáng kiến, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh toàn diện. Thông tin được đưa ra bởi Phòng Thương mại Quốc tế Dubai tại diễn đàn mới đây tại Tp.HCM.
Tiến sĩ Bader Al Matrooshi, Đại sứ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tại Việt Nam cho rằng: “Quan hệ giữa UAE và Việt Nam đang chứng kiến những bước phát triển quan trọng như việc trao đổi hơn 50 phái đoàn trên nhiều lĩnh vực khác nhau trong đó có các cuộc hội đàm giữa lãnh đạo hai nước và các đoàn xúc tiến thương mại trong năm vừa qua. UAE cũng được coi là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khu vực về các sản phẩm phi dầu mỏ với kim ngạch thương mại lên tới trên 8 tỷ USD”.
Được biết, Phòng Thương mại Quốc tế Dubai là một trong ba đại hội đồng hoạt động dưới sự quản lý của Dubai Chambers. Vào tháng 7/2023, phía Dubai đã khai trương một văn phòng đại diện quốc tế mới tại Việt Nam (Dubai Chambers). Động thái này nằm trong chiến lược mở rộng đầu tư vào Đông Nam Á; sau các văn phòng mới khác tại Indonesia, Singapore và hôm nay đến Việt Nam.
Thống kê đến hiện tại, nếu trước khi thành lập Dubai Chambers vào tháng 7/2023 chỉ có 93 doanh nghiệp tham gia; thì đến nay đang có 147 doanh nghiệp làm thành viên của Dubai Chambers.
Chưa kể, việc đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Dubai trước kia rất hiếm. Nếu năm 2014, chỉ có 14 đơn vị được cấp phép hoạt động tại Dubai thì tính đến hết tháng 3/2024, con số này đã hơn 140 doanh nghiệp.
Giao thương giữa hai nước đa dạng từ thực phẩm và đồ uống, xây dựng, y tế, giải pháp môi trường, quản lý nhân sự, đến đồ nội thất, các loại hạt, trái cây nhiệt đới, cà phê… đặc biệt là công nghệ thông tin.
“Việt Nam có đội ngũ trên 1 triệu người kỹ sư công nghệ thông tin, đây là nét tương đồng với Dubai. Do đó, hai bên dự kiến sẽ hợp tác sâu rộng hơn nữa”, đại diện Phòng Thương mại Quốc tế Dubai cho biết thêm.
Động thái của Dubai nằm trong xu hướng dòng vốn FDI vào Việt Nam đang khá sôi động. Khi, Việt Nam nổi lên là quốc gia đang phát triển và rất cởi mở trong bối cảnh thế giới chịu ảnh hưởng hậu Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng, suy thoái kinh tế…
Báo cáo củaTổng cục Thống kê cũng cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng qua ước đạt 6.28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là vốn FDI kỷ lục trong 5 năm qua. Dưới góc nhìn của Dubai Chambers, Việt Nam thu hút vốn FDI bởi chính sách kinh tế thuận lợi, cơ sở hạ tầng vững chắc, lực lượng lao động lành nghề và địa lý thuận lợi.
Ngược lại, những chính sách giao thương sâu rộng cũng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư mạnh ra nước ngoài. Mới nhất, May Sông Hồng chia sẻ sắp đầu tư sang Ai Cập, ở mảng xây dựng có BM Windows liên tục thắng thầu tại các dự án lớn ở Canada, Úc…
Nguồn tin: https://cafef.vn/da-co-hon-140-doanh-nghiep-viet-nam-duoc-cap-phep-kinh-doanh-tai-dubai-188240509191316017.chn