Trong bối cảnh chung nhiều biến động và không thuận lợi sau Covid, Thế giới di động đã trải qua một năm 2022 đầy thách thức, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan là quyết định tái cấu trúc một cách quyết liệt để vận hành tinh gọn và hiệu quả hơn.
Công ty ghi nhận doanh thu thuần hơn 133.400 ngàn tỷ đồng và duy trì lợi nhuận sau thuế hơn 4.100 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng 8% về doanh thu và giảm 16% về lợi nhuận ròng so với cùng kỳ 2021. Lần đầu tiên kể từ khi niêm yết, MWG chỉ hoàn thành được 95% chỉ tiêu doanh thu và 65% chỉ tiêu lợi nhuận so với kế hoạch.
Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT TGDĐ Nguyễn Đức Tài cho rằng, những “cơn gió ngược” trong năm 2022 chính là cơ hội để Công ty tập trung rà soát hoạt động kinh doanh và củng cố nội lực của doanh nghiệp.
Là nhà bán lẻ với quy mô doanh thu 5,5 tỷ đô la Mỹ và mạng lưới hơn 5.500 cửa hàng trên toàn quốc thì việc thử nghiệm những mô hình kinh doanh mới không ngoài mục tiêu tạo ra động lực tăng trưởng cho TGDĐ trong tương lai.
Nhưng thử nghiệm nào cũng sẽ có thành công và thất bại.
TopZone và Chuỗi ĐMX Supermini là 2 trong số những thử nghiệm thành công của TGDĐ. Theo đó, tăng trưởng doanh thu của TGDĐ trong năm 2022 có sự đóng góp đáng kể của chuỗi ĐMX Supermini – mô hình cửa hàng điện máy siêu nhỏ phục vụ nhu cầu mua sắm của bà con các khu vực vùng sâu, vùng xa – với hơn 10.000 tỷ đồng doanh thu từ hơn 1.000 điểm bán sau chỉ hơn 2 năm thử nghiệm.
Đồng thời, 2022 cũng đánh dấu thành công bước đầu của TopZone – chuỗi cửa hàng ủy quyền chính hãng chuyên kinh doanh các sản phẩm Apple tại Việt Nam. Được ra mắt từ tháng 10/2021, TopZone đóng góp hơn 2.600 tỷ đồng doanh thu từ 100 điểm bán. Cùng với sự thành công của TopZone, tổng doanh thu từ sản phẩm Apple trên toàn hệ thống MWG cũng tăng trưởng ấn tượng khoảng 40% so với năm trước.
Cả hai chuỗi thegioididong.com và Điện Máy Xanh đều nỗ lực ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số so với cùng kỳ, mang về tổng doanh thu 105.000 tỷ đồng cho Tập đoàn.
Bên cạnh những điều đã làm được, Ban Lãnh đạo cũng thẳng thắn nhìn nhận những thứ chưa làm tốt, những điều chỉnh cần thực hiện để tồn tại và thích nghi với điều kiện kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng, những cản trở phải mạnh mẽ cắt bỏ để Công ty có thể tiếp tục đi xa hơn, bền vững hơn.
Trong đó, chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng Bách Hóa Xanh đã trải qua cuộc “đại phẫu” toàn diện, bao gồm:
– Tái định vị thương hiệu từ mô hình “chợ hiện đại” thành “siêu thị mini” và thay đổi cách thức bố trí sắp xếp cửa hàng để khách hàng có không gian mua sắm thoải mái và thuận tiện hơn
– Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng;
– Rà soát, xử lý dứt điểm các cửa hàng sai vị trí, hoạt động không hiệu quả;
– Củng cố nền tảng vận hành hướng đến cải thiện mạnh mẽ hiệu quả hoạt động. Sau tái cấu trúc, với 1.728 cửa hàng hoạt động cuối năm 2022 (giảm gần 20% so với 2021), doanh thu trung bình trong những tháng cuối năm ổn định ở mức 1,3-1,4 tỷ đồng/ cửa hàng.
Kết thúc năm 2022, tổng doanh thu của Bách Hóa Xanh vẫn đạt hơn 27.000 tỷ đồng, bằng 96% mức doanh thu kỷ lục của năm 2021 (khi nhu cầu tích trữ hàng thiết yếu tăng cao trong các đợt bùng phát dịch COVID).
Đối với An Khang , sau khi đạt quy mô 500 nhà thuốc vào cuối năm 2022, Công ty đã tạm ngưng mở rộng để tập trung tăng doanh thu trên mỗi điểm bán, kiểm soát chi phí để hướng đến vận hành có lợi nhuận.
Ngoài ra, MWG cũng thu hẹp các chuỗi mới, chấm dứt những thử nghiệm mà không có tiềm năng tăng trưởng đủ lớn trong tương lai.
Cuối cùng, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho rằng mỗi thành công hay thất bại đều mang lại bài học kinh nghiệm sâu sắc, là trải nghiệm quý báu giúp đội ngũ lãnh đạo kế thừa luôn tỉnh táo, thận trọng và kỷ luật trong các quyết sách điều hành doanh nghiệp.