Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/8, cổ phiếu VC7 của tập đoàn BGI (BGI Group, mã chứng khoán: VC7) giảm 0,36% còn 27.500 đồng/cp. Mặc dù đã giảm trong 5 phiên gần đây nhưng trước đó cổ phiếu này đã trả qua một chuỗi tăng ấn tượng.
Cụ thể, thị giá cổ phiếu này đã tăng từ mức 7.000 đồng/cp hồi giữa tháng 5 lên mức 27.500 như hiện tại, tương ứng mức tăng 292% sau 3 tháng. Thậm chí, trong phiên ngày 11/8 cổ phiếu VC7 cũng đã quay lại mức giá lịch sử 33.500 đồng/cp. Thanh khoản cổ phiếu này cũng ở mức từ vài trăm nghìn đến vài triệu khớp lệnh mỗi phiên.
Sự bật tăng của cổ phiếu VC7 diễn ra trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang đón nhận nhiều tin tốt trong kết quả hoạt động kinh doanh. Quý 2/2023, BGI Group ghi nhận doanh thu 80,9 tỷ đồng – giảm 23% so với cùng kỳ năm trước song tăng gần gấp đôi quý đầu năm.
Khấu trừ chi phí, công ty lãi 6,3 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Đây là mức cao nhất kể từ khoản lãi gần 9 tỷ đồng hồi quý 1/2018 đồng thời gấp gần 14 lần quý đầu năm.
Ngoài ra, mới đây công ty này cũng đã công bố việc chuẩn bị bàn giao những căn hộ đầu tiên tại dự án BGI Topaz Downtown. Dự án này nằm tại trung tâm mở rộng của thành phố Huế, với quy mô 13,47ha. BGI Topaz Downtown đã hoàn thành 100% hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện 107 căn trong tháng 6/2023 và thi công tiếp 103 căn còn lại trong năm. Đây là một trong những dự án trọng điểm của BGI Group.
Tiền thân của BGI Group là công ty Xây dựng Sôphia Bungaria (Vinasofstroi) thuộc công ty Hợp tác xây dựng nước ngoài (Tổng Công ty Vinaconex) được thành lập theo quyết định số 197/BXD/TCCB của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ngày 8/3/1988. Đến năm 1996, công ty đổi tên thành công ty Xây dựng số 7, trực thuộc Vinaconex.
Doanh nghiệp này bắt đầu tiến hành cổ phần hóa vào năm 2001. Đến ngày 28/12/2007, cổ phiếu VC7 được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Vào năm 2017, sau khi Nhà nước thoái vốn khoải Vinaconex, BGI Group cũng được cổ phần hóa hoàn toàn. Và đến năm 2020, công ty chính thức đổi tên thành BGI Group như ngày nay.
Sau 7 đợt tăng vốn từ khi niêm yết vào năm 2007, vốn điều lệ của doanh nghiệp này đã đạt mức 480 tỷ đồng. BGI Group tuyên bố 3 mảng hoạt động chính là: bất động sản, xây lắp và sản xuất vật liệu xây dựng. Trong đó, lĩnh vực bất động sản sẽ chiếm tỉ trọng trên 70%. Doanh nghiệp đang đầu tư triển khai nhiều dự án tại khu vực miền Trung từ Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế ….
Xét trong cơ cấu cổ đông, ông Hoàng Trọng Đức, Chủ tịch công ty đang là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 40,2% vốn.
Năm 2023, Tập đoàn BGI đặt kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng với tổng doanh thu tăng 28% so với thực hiện năm ngoái, lên 417 tỷ đồng. Đặc biệt lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng gấp 6,6 lần, đạt trên 85 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng lên phương án chia cổ tức ở mức 15%, trong khi năm 2022 bỏ ngỏ khoản chi này.
Nếu hoàn thành chỉ tiêu trên, doanh nghiệp sẽ thiết lập kỷ lục chưa từng có về lợi nhuận, doanh thu cũng sẽ cán mốc cao nhất trong 10 năm qua.
Tuy đặt kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng, song cũng cần lưu ý về khả năng thực hiện kế hoạch của BGI Group. Bởi, nhiều năm gần đây doanh nghiệp thường không hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đề ra, ví dụ năm 2022 chỉ đạt 21%, năm 2021 đạt 43%, năm 2020 đạt 30%, năm 2019 đạt 37%.
Ngoài ra, trong năm nay công ty cũng chuẩn bị chào báo bán 48 triệu cổ phiếu, giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Vốn điều lệ từ 480,4 tỷ đồng lên 960,9 tỷ đồng.
Tổng số tiền thu được dự kiến sẽ đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị phía Đông đường Thủy Dương – Thuận An, thuộc khu E – Khu đô thị mới An Vân Dương thông qua hình thức hợp tác đầu tư với CTCP Tập đoàn IUC – công ty liên kết và có liên quan đến Chủ tịch HĐQT Hoàng Trọng Đức.