Thập kỷ đầu tiên: Tiên phong và kiên định mang trái cây Việt ra thế giới
Thuộc vùng nhiệt đới có đất đai trù phú với những vườn cây ăn trái quanh năm, Việt Nam sở hữu nhiều loại hoa quả mà ít quốc gia có được. Trái cây Việt không chỉ là nguồn thu kinh tế lớn của các vùng thuần nông mà còn là niềm tự hào dân tộc. Tuy nhiên phần lớn trái cây trong nước tiêu thụ dạng tươi và xuất khẩu dạng nguyên liệu thô. Do vậy, chỉ cần kế hoạch tiêu thụ bị thay đổi, thị trường gặp khó khăn dẫn đến nguy cơ sản phẩm hư hỏng, ép giá,… khiến cuộc sống của người nông dân luôn trong tình trạng bấp bênh, giá trị nông sản lên xuống thất thường.
Những hình ảnh hàng ngàn tấn vải thiều, thanh long, sầu riêng,… bị tồn đọng ở cửa khẩu quốc tế không được xuất đi, các cuộc giải cứu trái cây diễn ra hàng năm, hoặc mang trái cây đi đổ, hoặc bán với giá rẻ… trở thành nỗi ám ảnh với nông sản Việt.
Thấu hiểu nỗi trăn trở ấy, ngay từ khi thành lập vào năm 2014, Tập đoàn Tiến Thịnh đã phát triển theo chiến lược khác biệt khi tập trung vào đầu tư công nghệ chế biến trái cây với hai dòng sản phẩm chủ lực gồm trái cây sấy và nước ép nguyên chất.
Đại diện tập đoàn cho biết, việc tập trung vào trái cây chế biến mang đến nhiều lợi ích vượt trội. Thứ nhất, đa dạng hóa sản phẩm khi một loại trái cây có thể cho ra nhiều thành phẩm khác nhau. Thứ 2, đảm bảo chất lượng và kéo dài thời gian sử dụng, không còn lo ngại vấn đề hư hỏng thối rữa mà thực phẩm tươi hay đối mặt. Thứ 3, không chỉ bình ổn giá, đây còn là giải pháp nâng cao giá trị của nông sản. Thứ 4, giải quyết triệt để nỗi lo mà người nông dân hay phải đối mặt là ép giá, tồn hàng, hóa giải triệt để trăn trở “được mùa mất giá”.
Không dừng lại ở việc đồng hành cùng người nông dân tạo ra những vùng chuyên canh giá trị kinh tế vượt trội, với khát khao đưa nông sản Việt vươn ra thế giới, Tiến Thịnh đã nâng tầm dây chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn khắt khe toàn cầu.
Theo đó, tập đoàn đầu tư hàng trăm tỷ đồng ứng dụng hệ thống máy móc, công nghệ từ châu Âu và Mỹ vào quy trình sản xuất. Đây cũng là doanh nghiệp nhận được nhiều chứng nhận uy tín và danh giá thế giới về an toàn thực phẩm như HACCP, ISO 22000, BRC Food, FDA, KOSHER, HALAL và SEDEX. Tạo ra những vùng chuyên canh rộng lớn, luôn chủ động nguồn nguyên liệu chế biến từ 200 hợp tác xã và hàng ngàn hộ gia đình, đội ngũ nhân công lành nghề, bám sát kỹ thuật, tinh lọc sản phẩm.
Nhờ vậy, Tiến Thịnh tự hào trở thành doanh nghiệp Việt tiên phong mang trái cây Việt chinh phục thành công thị trường khó tính nhất như Mỹ. Đến nay, các sản phẩm của Tiến Thịnh đã có mặt khắp 4 châu lục gồm châu Mỹ, châu Âu, châu Úc, châu Á. Đồng thời là đối tác bền vững của những tên tuổi hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm, bán lẻ như Costco, Refresco, Tropextrakt… và những hệ thống siêu thị bán lẻ khác tại Mỹ. Qua đó góp phần mạnh mẽ vào quá trình nâng cao giá trị và vị thế của nông sản Việt trên bản đồ nông sản thế giới. Với những đóng góp nổi bật và giá trị cho ngành nông sản nước nhà tập đoàn vinh dự nhận được nhiều giải thưởng uy tín.
Lên sàn chứng khoán: Khởi đầu cho bước chuyển mình thần tốc
Thị trường trái cây xuất khẩu Việt đang đứng trước thời cơ lớn khi ngày càng được đánh giá cao trên thế giới. Mặt khác, Mỹ đang xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường thúc đẩy rất lớn về xuất khẩu đi các thị trường Mỹ và châu Âu, trong đó ngành hàng nông sản được hưởng lợi trực tiếp.
Nắm bắt xu thế, tập đoàn Tiến Thịnh đã nhanh chóng niêm yết cổ phiếu lên sàn Upcom, ghi danh trên thị trường chứng khoán, mở ra nhiều vận hội mới.
Việc đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán giúp tập đoàn nâng cao uy tín với đối tác, khách hàng và nhà đầu tư, gia tăng giá trị doanh nghiệp. Đây cũng là bệ phóng quan trọng giúp Tiến Thịnh thu hút nguồn vốn đầu tư mới một cách minh bạch để tái đầu tư vào dây chuyền sản xuất, mở rộng vùng chuyên canh, mở rộng thị trường xuất khẩu, mở rộng quy mô kinh doanh.
Nhằm đáp ứng giai đoạn phát triển mới, thời gian qua, ngoài vùng chuyên canh trọng yếu Đồng Bằng Sông Cửu Long, Tiến Thịnh đang mở rộng với nhiều địa phương khác ở Tây Nguyên như Đaklak, Lâm Đồng hay các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh. Đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm chế biến và loại trái cây.
Bên cạnh đó, tập đoàn sẽ liên tục đầu tư nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới nhằm tạo ra các dòng sản phẩm có giá trị gia tăng như nước ép trái cây hữu cơ, thực phẩm dinh dưỡng từ trái cây. Thâm nhập những thị trường mới, giàu tiềm năng như Trung Đông, Mỹ Latinh, châu Phi và đầu tư mạnh mẽ hơn cho các chiến dịch tiếp thị quốc tế. Ngoài ra, doanh nghiệp còn tham gia nhiều sự kiện và hội chợ triển lãm quốc tế trong và ngoài nước, giới thiệu sản phẩm nông sản Việt Nam ra trường quốc tế.
CEO Tập đoàn Tiến Thịnh chia sẻ: “Việc niêm yết trên sàn chứng khoán là một bước tiến quan trọng để công ty phát triển bền vững và đạt được những mục tiêu chiến lược lâu dài. Sứ mệnh của Tiến Thịnh không chỉ nằm ở việc đưa trái cây Việt Nam ra thế giới mà còn góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho nông dân, thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp Việt Nam”.
Nguồn tin: https://cafef.vn/dai-gia-nong-san-len-san-chung-khoan-co-hoi-moi-thach-thuc-moi-188240731152509099.chn