Mới đây, TNH lên kế hoạch phát hành hơn 15,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp nhằm mục đích huy động vốn để giải quyết các khoản nợ đến hạn, bao gồm cả nợ lãnh đạo và nợ lương nhân viên.
Từ tháng 8/2022, TNH đã vay mượn từ lãnh đạo Công ty tổng số tiền 92 tỷ đồng với lãi suất 5,45%/năm và kỳ hạn 12 tháng nhằm đáp ứng nhu cầu đáo hạn trái phiếu phát hành năm 2020. Tuy nhiên, do chưa thu xếp được nguồn trả nợ, TNH đã ba lần xin gia hạn, với lần gần nhất kéo dài đến ngày 31/03/2025.
Tổng số tiền công ty nợ các lãnh đạo là 92 tỷ đồng bao gồm: 35.6 tỷ đồng của Chủ tịch HĐQT Hoàng Tuyên, 35 tỷ đồng của Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Thủy, 11.4 tỷ đồng của Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch Lê Xuân Tân và 10 tỷ đồng của cựu thành viên HĐQT Nguyễn Xuân Đôn.
>> Bệnh viện TNH huy động 152 tỷ đồng từ cổ đông để trả tiền vay lãnh đạo, nợ lương nhân viên
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 đã soát xét của TNH, thu nhập của những lãnh đạo công ty này đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Chủ tịch Hoàng Tuyên nhận về gần 574 triệu đồng giảm 14%, ông Lê Xuân Tân – Phó CT. HĐQT nhận thù lao 526 triệu giảm 9%, ông Nguyễn Văn Thuỷ nhận hơn 359 triệu giảm 26% so với cùng kỳ, chỉ riêng thu nhập của ông Nguyễn Xuân Đôn là giữ nguyên ở mức 96 triệu đồng.
Cả năm 2023, ông Tuyên nhận về số tiền gần 760 triệu, thù lao của ông Tân là 694 triệu, ông Thuỷ là 612 triệu và ông Đôn nhận lương 104 triệu đồng.
Ông Hoàng Tuyên, Chủ tịch HĐQT TNH
Hiện tại, ông Hoàng Tuyên hiện là cổ đông lớn tại TNH khi đang nắm giữ 7,35 triệu cổ phiếu tương ứng với tỷ lệ 6,67%. Ông Nguyễn Xuân Đôn giữ 3,5 triệu cp, ông Nguyễn Văn Thuỷ là 2,6 triệu cp và ông Lê Xuân Tân đang nắm 1,99 triệu cp với tỷ lệ nắm giữ lần lượt là 3,2%, 2,3% và 1,8% tại doanh nghiệp này.
CTCP Tập đoàn Bệnh viện TNH (trước đây là Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên) là một bệnh viện tư nhân tại tỉnh Thái Nguyên, được thành lập vào năm 2013. Ban đầu TNH chỉ có một bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với 150 giường bệnh và 950 dịch vụ y tế. Sau đó, TNH đã mở rộng lên 2 cơ sở khám chữa gồm: Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên, Bệnh viện đa khoa Yên Bình (Thái Nguyên), còn Bệnh viện TNH Việt Yên (Bắc Giang) đang chờ Bộ Y tế cấp phép.
Bên cạnh đó, công ty này đang triển khai đầu tư dự án Bệnh viện TNH Lạng Sơn với quy mô dự kiến 10 tầng, gồm 300 giường bệnh, được thiết kế theo mô hình bệnh viện đa khoa.
Ngoài ra, trong năm 2023, TNH đã góp vốn thành lập pháp nhân liên kết là CTCP Bệnh viện TNH Hà Nội để thực hiện đầu tư dự án tại Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) Hà Nội, quy mô khoảng 500 giường bệnh.
Chia sẻ về tầm nhìn chiến lược dài hạn 10 năm tại ĐHĐCĐ Thường niên năm 2024, ông Hoàng Tuyên – Chủ tịch HĐQT cho biết – đến năm 2030, TNH dự định có chuỗi 10 bệnh viện phủ rộng toàn quốc gồm bệnh viện đa khoa và chuyên khoa như ung bướu, phụ sản, mắt, chuyên khoa đột quỵ. Tại Hà Nội, TNH không nghĩ đến việc cạnh tranh trực tiếp với các bệnh viện Hồng Ngọc, Thu Cúc, Phương Đông… vì thị trường đang ở tình trạng quá tải.
>> Mục tiêu mở thêm 10 cơ sở mới, bệnh viện hiếm hoi trên sàn chào bán 15,2 triệu cổ phiếu
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/cho-doanh-nghiep-vay-hang-chuc-ty-dong-cac-sep-benh-vien-tnh-thu-nhap-bao-nhieu-157770.html