Trương Thu Hường: Bây giờ, khi ngồi đối diện với chị ở đây, tôi chợt nhớ tới lúc di chuyển từ TP.HCM xuống Đồng Nai, nhân viên của chị đi cùng xe nói: “Sáng nay, dù rất vội đi làm, chị Quyên vẫn quay lại tìm một chú chó vì nó bị lạc khi mải chạy theo chị”.
CEO Vưu Lệ Quyên: (Cười lớn) Đó là bé Sam, cún cưng của bạn nhân viên tên Ngọc. Gần đây, Ngọc bận chuyện cá nhân nên tôi nhận Sam về chăm sóc giúp.
Cơ mà nốt hôm nay trả rồi! (cười).
Trương Thu Hường: Chắc là chị rất yêu động vật?
CEO Vưu Lệ Quyên: Ở dự án Happy Biti’s, chúng tôi có những chuyến retreat (tách mình khỏi công việc, cuộc sống hàng ngày để học và thực tập kỹ năng sống hạnh phúc – PV) giúp kết nối với thiên nhiên. Từ đó, tôi mới có thời gian quan sát thú vật và thấy giữa mình với các em có một điểm chạm là đều đang sống.
Vì điểm chung đó, mấy ngày Sam ở nhà tôi, mỗi sáng thức dậy nhìn vào bé, tôi lại thấy có sự kết nối sâu sắc dù hai bên không nói chuyện được với nhau. Trước đó, tôi cũng nuôi một chú cún suốt 12 năm, bây giờ giao lại cho em rể chăm sóc. Nên nếu bạn hỏi có phải tôi rất yêu động vật thì chắc không hẳn là thế đâu, nhưng tôi rất tôn trọng sự sống của các em.
Trương Thu Hường: Nghe nói chú chó mà chị nuôi 12 năm là kỷ niệm chồng chị tặng chị và hai người đã có một tình yêu rất đẹp…
CEO Vưu Lệ Quyên: (Cười) Ông xã người Bắc, lớn tuổi hơn tôi, làm Nhà nước, còn tôi là gái Sài Gòn, làm kinh doanh. Cả hai tình cờ quen nhau khi tôi có dịp ra Hà Nội. Sau này kết hôn, tôi quyết định khăn gói theo anh ra Bắc.
Chắc tôi cũng là “ca” đặc biệt, nhỉ? (cười). Tại tôi thấy bạn bè cản dữ lắm. Họ bảo người ta muốn vô Sài Gòn không được, còn tôi lại vì chồng mà rời xa nơi này.
Rất may, ông xã là người quảng giao và vô cùng quan tâm tới người khác nên ở Hà Nội, tôi có nhiều bạn bè, không lúc nào thấy buồn… Tôi cũng biết ơn giai đoạn đó vì nhờ vậy mình hiểu hơn văn hóa miền Bắc.
Chỉ là… tôi vẫn hay nói đùa với mọi người: khi lấy chồng, tôi đã đưa ra checklist rất nhiều thứ và ông xã đáp ứng hết nhưng lại quên mất phải xin một điều vô cùng quan trọng, đó là sức khỏe…
…Chắc vì thế nên anh mới không khỏe. Đôi lúc tôi tự trách sao lúc xưa mình dại thế! Mình đã xin thật nhiều điều nhưng lại không cầu xin thứ quý giá đó cho anh. Giống như tôi đòi hỏi điều gì, ông Trời đều đã cho mình hết nhưng thời gian nắm giữ món quà ấy lại quá ngắn…
Vừa mới lấy chồng 4 tháng, lúc đó tôi 33 tuổi, một mình ở Hà Nội, anh bị nôn ra máu… Tôi vô cùng hoảng loạn. Tôi nghĩ: “Trời ơi, mình lớn lên như vậy, rồi kết hôn, có một tổ ấm hạnh phúc với những điều muốn làm mà giờ đây tự nhiên tai họa ập xuống”. Sự thật đó quá khó chấp nhận và tôi cũng không biết sẽ phải nói với ba mẹ mình như thế nào.
Nhưng rồi tôi cũng học được cách chấp nhận và đồng hành với anh suốt 16 tháng cho tới khi… anh mất.
Trương Thu Hường: Tôi rất xin lỗi vì đã trót gợi lên ký ức nhiều nỗi đau… Nhưng chị có tin không, tôi thực sự rất thấu cảm với chị và khi đặt mình vào hoàn cảnh đó, tôi cũng hình dung ra được cả quãng thời gian 16 tháng đầy khó khăn mà anh chị đã đi qua!
CEO Vưu Lệ Quyên: (Bật khóc) Ông xã tôi đã hóa trị, xạ trị rất nhiều lần. Từ một người đàn ông nặng hơn 70kg, bệnh tật dày vò khiến anh chỉ còn vỏn vẹn 40kg, mọi thứ trên cơ thể co lại hết. Chúng tôi đã đến Singapore với hy vọng “biết đâu đấy”… Nhưng phép màu cuối cùng không xảy ra.
Tôi nhớ những đêm suốt 2 tháng cuối cùng, anh không thể chợp mắt. Từng đêm, từng đêm rất dài, tôi vẫn thức cùng, chăm sóc cho anh mỗi phút giây – điều mà tôi đã nghĩ là mình sẽ không thể nào làm được.
Cho tới khi chồng không may ngã bệnh, tôi mới nhận ra mình cũng có thể chăm sóc tốt cho người khác nếu có đủ động lực, tình yêu thương và sự chú tâm. Thời gian ấy, tôi đã bỏ hết công việc sang một bên để đồng hành trọn vẹn với ông xã.
Người bệnh đôi khi sẽ thay đổi tâm tính. Có lúc anh nổi cáu vì đớn đau và tôi luôn nói anh bình tĩnh, giải thích mọi thứ cho anh nghe và nếu anh đau chỗ nào thì nói ra để mình có thể hỗ trợ cho anh.
Nói thế nhưng khó khăn nhất vẫn là khi phải nhìn thấy anh đau. Thậm chí tôi đã nghĩ: ông Trời ơi, hay là ông hãy để cho con chịu hết nỗi đau đó. Hoặc ông cứ cho anh sống như vậy rồi con sẽ chăm lo cho anh hết cuộc đời.
Thực lòng, tôi sẵn sàng làm thế nếu như anh vẫn ở đó, ngồi mãi trên giường bệnh. Nhưng tôi cũng biết suy nghĩ ấy quá ích kỷ, bởi vì mình vẫn dựa dẫm vào anh trong khi anh và thể chất của anh không thể nào đáp ứng.
Khi anh mất, tôi thường nghĩ đó là điều tốt cho anh. Anh và cuộc hôn nhân dẫu ngắn ngủi luôn là món quà tuyệt đẹp trong cuộc đời của tôi. Ngay cả giai đoạn cùng anh trị bệnh cũng là khoảng ký ức rất đẹp.
Trương Thu Hường: Nhưng sự ra đi ấy là mất mát quá to lớn. Tôi nghĩ nhiều người khác nếu ở trong hoàn cảnh tương tự, có thể đã suy sụp rất lâu…
CEO Vưu Lệ Quyên: Lúc ông xã mất, tôi chỉ cho phép mình 2 tháng buồn đau. Có lẽ vì tôi may mắn đã được học và thực tập kỹ năng sống hạnh phúc từ trước khi quen và kết hôn với anh. Nhờ sự thực tập ấy, suốt quá trình đồng hành cho đến lúc anh ra đi, tôi đối diện mọi thứ nhẹ nhàng hơn.
Ông xã tôi rất lạc quan nên đến những giây cuối cùng cũng không quá bi lụy. Anh hiểu chuyện sống chết không do mình quyết định. Bây giờ, anh phải đi để làm chuyện khác chứ thực ra không hề mất đi đâu. Chỉ là lúc này, tôi không trực tiếp nhìn thấy con người ấy bằng xương bằng thịt.
Trương Thu Hường: Điều chị vừa nói khiến tôi nhớ đến cuốn sách “Không sinh không diệt, đừng sợ hãi” của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ngài cũng từng nói đại ý rằng: Không có hạnh phúc nào tách rời khổ đau và bởi vì có khổ đau, con người ta mới biết tới hạnh phúc.
CEO Vưu Lệ Quyên: Tôi nghĩ điều đó rất đúng. Khi chạm đến khổ đau tưởng như không thể nào sống nổi, chúng ta sẽ biết ơn và trân trọng từng phút giây được sống.
Sau 16 tháng tự tách mình khỏi mọi thứ để chăm sóc cho ông xã, khi đi làm và sống một cuộc đời như cũ, tôi thấy trân trọng vì biết từ nay cho đến mãi về sau, mình sẽ phải sống thật tốt để thay cho cả phần của anh.
Có một giai đoạn rất đặc biệt là 6 tháng sau khi chồng mất, gặp ai tôi cũng thấy thương sâu sắc ở trong lòng vì biết hôm nay mình thấy họ nhưng liệu ngày mai, người ta có còn nữa hay không? Chính biến cố cuộc sống đã đặt tôi vào sự kết nối rất sâu với mọi người để mình yêu thương và tử tế hết lòng với họ. Chắc chắn, chỉ có sự vô thường mới giúp tôi hiểu và làm được như vậy.
Nếu ai đó tìm hiểu về đạo Phật thì họ sẽ biết, sống – chết vốn chỉ là những ý niệm còn thực tại luôn chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác. Mọi thứ không mất đi mà chỉ ẩn – hiện khi có đủ nhân duyên. Nhưng làm sao để mình sống ở trạng thái không sinh không diệt, sống một cách thực sự vô lo vô nghĩ thì chắc chắn không phải ai cũng làm được mà phải qua rèn luyện. Bản thân tôi cũng luôn nỗ lực thực tập điều đó bằng cách hiểu rằng có một sự thật không thay đổi là tất cả đều thay đổi. Khi chấp nhận sự thật đó, tôi sống thuận tự nhiên, tức là chuyện gì xảy đến thì mình đều đón nhận và tự hỏi, sự kiện ấy đã và đang giúp mình học được bài học gì và chuyển hóa được điều gì?
Bây giờ, khi nhìn một ai đó, tôi đều thấy sự sống ẩn tàng trong họ. Sự sống đó rất đẹp! Dù cuộc sống luôn biến đổi nhưng mỗi người đều có những mong cầu và tất cả đều có đủ điều kiện để sống cuộc đời trọn vẹn. Vấn đề họ có nhận ra hay không? Điều tôi muốn làm là giúp mọi người cảm nhận được điều đó. Làm sao giúp họ dám tìm lại chính mình, thấy được ý nghĩa cuộc sống, sống tử tế và tận hưởng những gì tươi đẹp nhất mà sự sống đem lại.
Tôi rất muốn nói với mọi người rằng dù trong cuộc đời này có bao nhiêu khó khăn, chúng ta đừng bao giờ từ bỏ bởi vì sự sống quý giá vô cùng.
Trương Thu Hường: Ngoài biến cố trong cuộc sống cá nhân, có lý do nào khác khiến chị tư duy về sự sống nhiều như thế?
CEO Vưu Lệ Quyên: Vì rất nhiều chuyện buồn xung quanh. Tôi đã chứng kiến nhiều người quen chọn cách từ bỏ sự sống vì những khó khăn họ cho là không thể vượt qua.
Trương Thu Hường: Vậy với bản thân chị, sau nhiều biến cố, chị nghĩ điều gì là quan trọng nhất?
CEO Vưu Lệ Quyên: Tôi nghĩ có hai điều. Thứ nhất là ba mẹ của mình. Thứ hai là mục tiêu làm sao xây dựng được cộng đồng có nhiều niềm tin, tình yêu thương và hỗ trợ lẫn nhau. Bởi vì ngoài kia, xã hội mất niềm tin nhiều lắm. Tôi không hiểu tại sao nhưng nhiều người lại nghi ngại chính những người xung quanh. Họ không dám tin vì sợ sẽ bị gạt… Nhưng nếu ai cũng suy nghĩ như vậy hoặc có hàng rào định kiến với người khác thì cuộc sống của họ sẽ luôn là những nghi ngờ, phán xét, và niềm tin trong xã hội rất thiếu. Mà khi không có niềm tin thì làm sao kiến tạo được tương lai(?).
Với cá nhân, tôi thường tự nhủ phải luôn tin vào điều tốt đẹp, mặc dù có thể là đôi khi mình cảm thấy trời ơi, điều xấu nhan nhản quá. Giống như câu chuyện chú chó của bạn Ngọc sáng nay đi lạc, tôi đã rất lo lắng nhưng rồi lại bình tĩnh và tin rằng: dù tôi không thể tìm thấy em thì chắc chắn Sam cũng sẽ được một gia đình nào đó tốt bụng nhận nuôi. Bởi vì chính em cũng là một chú chó bị bỏ rơi và được bạn thân của Ngọc, sau đó là Ngọc nhận nuôi từ khi còn rất nhỏ (cười).
Trương Thu Hường: Và đó là lý do 5 năm qua, chị dành nhiều tâm huyết cho dự án Happy Biti’s?
CEO Vưu Lệ Quyên: Năm 2011, khi đọc “Nghệ thuật sống” của Đức Đạt-lai Lạt-ma, tôi đã phát 3 nguyện: trong cuộc đời này gặp được tác giả cuốn sách ấy, thứ hai là thầy Thích Nhất Hạnh và thứ ba, đi Bhutan xem người ta đo lường hạnh phúc thế nào.
Cả 3 nguyện đó tôi đã lần lượt thực hiện và nó liên quan đến câu hỏi lớn của tôi: Làm cách nào để mình sống hạnh phúc? Tôi luôn nhớ tới kỷ niệm năm 2015, khi gặp Đức Đạt-lai Lạt-ma thì ngài nói với tôi: Tất cả những việc con làm, động lực phải vì lợi ích của chúng sinh.
Lúc đó, tôi là Phó TGĐ Biti’s và luôn tự hỏi: Mình có thể làm gì để giúp mọi người ở công ty trang bị kỹ năng sống hạnh phúc, để khi gặp biến cố, họ sẽ bình thản vượt qua, và mỗi ngày đi làm, gần 10.000 người đều thấy được ý nghĩa trong công việc.
Và lý do sâu sắc nhất khi tôị làm dự án Happy Biti’s là muốn xây dựng một môi trường mà ở đó mỗi người đều được là chính mình và được nuôi dưỡng trong cộng đồng.
Để kiến tạo một cộng đồng như thế trong lòng Biti’s, doanh nghiệp có tuổi đời hơn 40 năm, khởi nghiệp ngay sau chiến tranh thật không dễ. Tôi hiểu, trong quá khứ, để công ty phát triển, có những sản phẩm tốt phục vụ cộng đồng, mọi người đã phải trả giá rất nhiều.
Ba tôi là người vô cùng nóng tính bởi vì thế hệ ba mẹ lớn lên trong chiến tranh, trải qua tuổi thơ quá cực khổ nên tự họ đã có những nội kết rất sâu sắc. Họ không thể nào giải tỏa được cũng như không học được kỹ năng nào để giải quyết vấn đề này. Điều đó ảnh hưởng lớn đến văn hóa công ty và tôi thấy rất cần phải thay đổi.
Vậy thì muốn xây dựng một cộng đồng mà mọi người hạnh phúc trong công việc, được là chính mình, thấy mình cống hiến, đóng góp cho xã hội… rất cần phải có phương pháp. Và Happy Biti’s là một dự án nhằm đạt được đích lớn đó với mục tiêu đặt ra là tạo nên một cộng đồng bền vững, hạnh phúc hơn.
Đón đọc bài 2: Giao tiếp trắc ẩn, lòng biết ơn ở Biti’s và sứ mệnh giúp mọi người, mọi loài hạnh phúc
Trương Thu Hường
Tiên Phùng, Biti”s
21/09/2023
Nhịp sống thị trường
Theo Nhịp sống thị trường
Copy link
Lấy link!