Theo báo cáo quý 1/2023 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trạng thái trầm lắng vẫn bao phủ toàn thị trường, dấu hiệu phục hồi chưa thực sự rõ nét. Thanh khoản thị trường quý 1/2023 đang sụt giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm 2022 khi tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt khoảng 11%. Con số giao dịch này tương đương với hơn 2.700 sản phẩm và giảm hơn 50% so với cùng kì năm ngoái. Thị trường vẫn lệch pha cung cầu và khan hiếm trầm trọng nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ.
Sự trầm lắng này vừa được thể hiện rõ tại báo cáo tài chính của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.
Theo báo cáo tài chính của CTCP Tập đoàn Danh Khôi , suốt 3 tháng đầu năm, công ty này không phát sinh một đồng doanh thu nào trong khi cùng kỳ năm ngoái kiếm được 51 tỷ đồng.
Danh Khôi cho biết, trong quý 1, công ty không phát sinh doanh thu do tình hình khó khăn chung của thị trường bất động sản dẫn đến chưa kịp ghi nhận được doanh thu – lợi nhuận từ các dự án mà công ty đang hợp tác đầu tư và môi giới.
Trừ đi các khoản chi phí (trong đó chi phí quản lý còn tăng gấp rưỡi cùng kỳ), Danh Khôi ghi nhận lỗ 16,8 tỷ đồng trong quý 1. Trước đó trong quý 4/2022, Danh Khôi cũng chỉ kiếm được 1 tỷ đồng doanh thu và báo lỗ 60 tỷ đồng.
Như vậy, trong 6 tháng gần đây, Danh Khôi gần như không có doanh thu khi chỉ kiếm được vỏn vẹn 1 tỷ đồng.
Tại CTCP Bất động sản Thế Kỷ (Cenland) , doanh thu công ty trong quý 1 đạt 106 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu môi giới bất động sản là 69 tỷ đồng, giảm 76%.
Tuy nhiên, Cenland ghi nhận giảm trừ doanh thu chuyển nhượng bất động sản tới 52 tỷ đồng, vì vậy doanh thu thuần chỉ còn 53 tỷ đồng và báo lỗ sau thuế 8,8 tỷ đồng.
Tương tự Danh Khôi, Cenland cũng cho biết thị trường bất động sản quý 1 vừa qua đối mặt với rất nhiều khó khăn và các yếu tố không thuận lợi. Cenland cho biết, hầu hết các ngân hàng vẫn tiếp tục siết chặt các nguồn cho vay và mở rộng nhỏ giọt dư nợ cho vay đối với các giao dịch bất động sản. Đồng thời, kênh huy động vốn qua trái phiếu bị kiểm soát, lãi suất tăng cao gây áp lực lớn cho người mua nhà và chủ đầu tư.
Các lý do này làm cho thị trường bất động sản vẫn tiếp tục không thuận lợi, nhu cầu giao dịch bất động sản giảm mạnh kéo theo doanh thu và lợi nhuận giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vừa diễn ra, ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch Cenland cho biết, những tháng cuối năm 2021 đầu năm 2022, doanh thu môi giới một tháng của CenLand 300 tỷ mà đến thời điểm này mỗi tháng không nổi 20 tỷ.
“Thị trường quay đầu khủng khiếp, chúng ta cũng không biết được nó sẽ như thế nào vào thời gian tới và gần như đội sale trên thị trường “gãy” khoảng 90%”, ông Vũ nói.
Tại CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Đất Xanh Services) , doanh thu quý đầu năm đạt 329 tỷ đồng giảm 38% so với cùng kỳ. Mức giảm này thấp hơn so với Cenland, nhưng nếu nhìn vào cơ cấu doanh thu, thực tế doanh thu dịch vụ bất động sản của Đất Xanh Services cũng giảm trên 90% so với cùng kỳ.
Nguồn thu chính kỳ này của Đất Xanh Services đến từ bán căn hộ, nhà phố và đất nền, chiếm trên 70%.
Mặc dù vậy, mảng bán căn hộ, nhà phố và đất nền có biên lợi nhuận thấp hơn rất nhiều so với mảng dịch vụ. Do đó, lợi nhuận gộp của Đất Xanh Services không đủ để trả chi phí và công ty lỗ 32,6 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh chính, qua đó lỗ sau thuế gần 44 tỷ đồng.