Orion Group vừa công bố tình hình kinh doanh quý đầu năm 2023, ghi nhận doanh thu hợp nhất 663,8 tỷ KRW (tương đương 11.869 tỷ đồng) và lợi nhuận hoạt động 99,1 tỷ KRW (tương đương 1.772 tỷ đồng).
Trong đó, Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia đóng góp chính vào sự tăng trưởng nhờ cao điểm mua sắm cuối năm và Tết Nguyên đán (thực tế ghi nhận chính vào quý 4/2022). Ngoài ra, doanh số tại các công ty con này tăng trưởng còn nhờ mở rộng được thị phần thêm 1,6%. Riêng Việt Nam, luỹ kế từ tháng 11/2022 đến tháng 3/2023, doanh thu Orion tăng hơn 20% và lợi nhuận tăng hơn 8,7%.
Năm 2022 Orion gây chú ý tại Việt Nam khi lần đầu công bố BCTC với con số vượt trội so với các đối thủ. Trong đó, Orion Food Vina (OFV ) – công ty con ở Việt Nam của Tập đoàn này – ước tính doanh thu năm 2022 đạt hơn 400 triệu USD (tương đương 9.200 tỷ đồng). Tỷ suất lợi nhuận hoạt động đạt gần 25%. Kết quả này cũng giúp cho thương hiệu ChocoPie dẫn đầu thị phần ngành bánh và vượt Kinh Đô (hiện nay là Mondelez Kinh Đô).
Được biết, OFV được thành lập vào năm 2005, lần đầu đã vượt doanh số 10 triệu USD trong năm 2011. Và sau thời gian 10 năm sau đó thì doanh số của công ty cũng đã tăng hơn 3 lần, đạt mức hơn 340 triệu USD.
Lên chiến lược cho năm nay, OFV cho biết có kế hoạch mở rộng thị phần dựa trên chất lượng sản phẩm và khả năng bán hàng vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh. Song song, Công ty cũng sẽ đầu tư mở rộng các nhà máy hiện có, xúc tiến thành lập các nhà máy mới. Bên cạnh dòng sản phẩm quốc dân Chocopie, Orion nhấn mạnh sẽ đẩy mạnh lấy thêm thị phần tại Việt Nam bằng việc mở rộng dây chuyền sản xuất bánh quy giòn và bánh gạo lên 100%, đồng thời mở rộng danh mục sản phẩm mới để duy trì mức tăng trưởng cao.
Đơn cử, quý 1/2023, OFV đã đầu tư và tung hai dòng sản phẩm mới là Opera và Masita. Trong đó, Opera tại Việt Nam là một sản phẩm mới, nhưng sớm được ra mắt tại thị trường Trung Quốc cách đây gần 20 năm. Hiện, dòng này đã trở thành một trong những sản phẩm được yêu thích, bán chạy nhất tại thị trường này. Tương tự, Masita cũng đã được mắt lần đầu tiên tại Hàn Quốc từ năm 2018, cho tới nay đây vẫn là loại snack bán chạy và nổi tiếng nhất tại thị trường Hàn Quốc, và cả Trung Quốc.
Theo OFV, dù sức mua yếu, tuy nhiên có một xu hướng rõ ràng là người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm cao cấp và có trải nghiệm tốt hơn. Bên cạnh đó, nhận định về những tiềm năng ở sản phẩm cả về mặt công nghệ lẫn kinh nghiệm, Orion đã tăng đầu tư khoảng 700 tỷ đồng cho phần dây chuyền sản xuất.
Tính đến tháng 12/2022, thống kê từ Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy Orion chính là nhà sản xuất bánh kẹo lớn nhất ở Việt Nam với Chocopie chiếm đến 66% thị phần.
Nói về “bí quyết” giúp OFV bỏ xa các đối thủ, đại diện Công ty cho biết thực tế có nhiều lý do khác nhau giúp Công ty giành được thị phần lớn ở thị trường Việt Nam. Đặc biệt trong đó là chính sách không tăng giá sản phẩm. Mặc dù chi phí nguyên vật liệu chiếm khoảng 70% giá thành sản phẩm ở trong ngành bánh kẹo và đã liên tục tăng giá trong những năm qua thì hãng quyết không tăng giá bán toàn bộ các sản phẩm từ năm 2018 đến hiện tại.
Không tăng giá thực tế là chiến lược lớn xuyên suốt của OFV, và năm 2023 sẽ tiếp tục. Chưa kể, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, người tiêu dùng bắt đầu thắt chặt chi tiêu (ưu tiên sản phẩm thiết yếu, có giá thấp), chính sách giá không tăng của OFV tỏ ra phù hợp.
Orion cũng đã thực hiện khảo sát với các tiểu thương tại các khu chợ tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM, hầu hết đều phản ánh về tình trạng buôn bán ế ẩm. “Trước nhiều người tới mua hàng thiết yếu thường mua thêm đồ uống, bánh kẹo, đồ ăn vặt, nhưng giờ, đa số chỉ mua dầu ăn, mắm, muối, mà không nhòm ngó các mặt hàng khác”, khảo sát ghi nhận. Cho thấy, thói quen tiêu dùng đã thay đổi, mua số lượng nhỏ nhiều hơn là mua số lượng lớn cũng như lựa chọn sản phẩm có mức giá thấp, phải chăng hơn.
“Thực tế, việc không tăng giá của chúng tôi năm 2023 không còn đơn thuần là chiến lược nữa, mà còn là sự đồng hành cùng khó khăn với người tiêu dùng. Giữ nguyên giá bán đồng nghĩa với việc sẽ giảm lợi nhuận. Mặc dù vậy, Công ty cũng tăng doanh thu bằng việc mở rộng kênh phân phối và liên tục cho ra những sản phẩm mới theo đúng nhu cầu của những người bản địa”, đại diện Orion nhấn mạnh.
Kênh phân phối cũng là một trong những lợi thế cạnh tranh của Orion. Nếu như năm 2005 cả hệ thống bán hàng của OFV chỉ bao gồm 20 đại lý là những cửa hàng tạp hóa cùng 50 nhân viên bán hàng; thì sang năm 2008 khi mà nhà máy chính thức đi vào hoạt động, số lượng nhà phân phối của công ty này cũng đã tăng lên gấp 8 lần, bao gồm 160 nhà phân phối cùng số lượng nhân viên kinh doanh tăng lên đến 2.000 người.