Chiều ngày 27/06/2023, Công ty cổ phần tập đoàn xây dựng Hòa Bình đã tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên năm 2023. Một trong những vấn đề được cổ đông quan tâm và đặt câu hỏi đó là vấn đề quản trị nhân sự của công ty, đặc biệt là nhân sự thượng tầng.
Chủ tịch HĐQT ông Lê Viết Hải cho biết, về xung đột thượng tầng, đây là vấn đề xuất phát từ cách quản lý của ông đó là sẵn sàng đưa những người có năng lực, trình độ, cùng tầm nhìn, cùng hoài bão về Tập đoàn để thực hiện mục tiêu chiến lược của HBC là đưa doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Dù những bước đi ban đầu chưa thành công nhưng Hòa Bình đã có được một số đối tác tiềm năng ra nước ngoài. Chủ tịch HBC bày tỏ tin tưởng trong thời gian tới khi giải quyết được các vấn đề, mục tiêu này có thể thực hiện được.
Tuy nhiên, ông Lê Viết Hải thừa nhận đã có phần chủ quan về việc tỷ lệ thành viên HĐQT đứng về phe nào ông không quan tâm.
“Hòa Bình có đến 4 thành viên độc lập trong số 8 thành viên HĐQT, tương ứng 50%, cao hơn nhiều so với các công ty niêm yết khác. Tuy nhiên, chính về việc này, khi có xung đột lợi ích, kéo bè kéo cánh, tôi không thể kiểm soát được “, ông Hải thừa nhận.
Chủ tịch Lê Viết Hải kết luận “Để kiểm soát thượng tầng tốt hơn, cần gắn vốn đầu tư từ thành viên HĐQT vào lợi ích của công ty. Đây là bài học tôi rút ra được.”
Thành viên hội đồng quản trị độc lập (tiếng Anh: Outside director) là thành viên hội đồng quản trị của công ty mà không có quan hệ về nhân thân, quan hệ về tài sản đối với công ty cổ phần hay những người quản lý, điều hành, những người liên quan của công ty cổ phần.
Thành viên hội đồng quản trị độc lập được trả một khoản thù lao hàng năm dưới dạng tiền mặt, lãi và/hoặc quyền chọn cổ phiếu.
Các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp yêu cầu các công ty niêm yết phải có một số lượng hoặc tỉ lệ phần trăm thành viên độc lập trong hội đồng quản trị. Về lí thuyết, các thành viên hội đồng quản trị độc lập có nhiều khả năng đưa ra những ý kiến khách quan hơn, nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của HĐQT thông qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty.
Thông tư 116/2020/TT-BTC quy định tổng số thành viên độc lập Hội đồng quản trị phải chiếm ít nhất một phần ba tổng số thành viên Hội đồng quản trị.
Cuối cùng thì “chiến tranh” đã thật sự kết thúc ở Hòa Bình khi Đại hội ngày 27/06/2023 đã thông qua đơn từ nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng Quản trị của 5 nhân vật là các ông Nguyễn Công Phú, Lê Quốc Duy, David Martin Ruiz, Albert Antoine và Dương Văn Hùng.
Đồng thời, ông Lê Văn Nam – CEO HBC, bà Vũ Thị Hòa – Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH ALB & Partners và bà Nguyễn Thị Lượt – Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn Queen Hotel đã được bầu bổ sung vào Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2022 – 2024.
Như vậy số lượng thành viên HĐQT của HBC chính thức giảm từ 8 xuống 6 người, trong đó 2 thành viên độc lập, 2 thành viên không điều hành.
Trước khi ĐHĐCĐ diễn ra, HBC điều chỉnh kế hoạch doanh thu và lợi nhuận tăng lên lần lượt 12.500 tỷ đồng (trước đó dự trình 7.500 tỷ đồng) và 125 tỷ đồng (trước đó dự kiến 100 tỷ đồng).
Trong đó, doanh thu ghi nhận từ backlog là 7.500 tỷ đồng, doanh thu hợp đồng mới 2.000 tỷ đồng, doanh thu từ xuất khẩu vật liệu xây dựng 1.300 tỷ đồng.
Đại hội đồng Cổ đông của Hòa Bình cũng đã tiếp đón đại diện của các đối tác trong liên danh Hoa Lư tham gia gói thầu dự án trọng điểm quốc gia sân bay Long Thành trị giá 35.000 tỷ đồng, bao gồm: Đại diện Coteccons – Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov; Đại diện Công ty Xây dựng Central Cons – Chủ tịch HĐQT Trần Quang Tuấn; Đại diện Công ty CP Xây dựng An Phong – Tổng Giám đốc Nguyễn Khắc Đồng.
Trả lời cổ đông, ông Lê Viết Hiếu – Phó chủ tịch HBC cho biết hoàn toàn tự tin liên danh Hoa Lư có thể trúng thầu dự án sân bay Long Thành.