Nội dung chính:
-
Xây dựng Hòa Bình và Hoàng Anh Gia Lai dự kiến sẽ thay đổi tình hình tài chính khi phát hành hàng trăm triệu cổ phiếu riêng lẻ trong thời gian tới.
-
Việc phát hành riêng lẻ nếu thành công, sẽ thay đổi cơ cấu sở hữu của hai công ty, không ngoại trừ việc sẽ có người mới gia nhập HĐQT và tham gia vào các quyết định quan trọng khác.
-
Đến nay thủ tục phát hành riêng lẻ vẫn chưa hoàn tất.
Bắt đầu từ giữa quý III, thị trường chứng khoán có dấu hiệu hồi phục với chỉ số VnIndex đã có lúc vượt trên mức 1.200 điểm từ mức đáy xung quanh 1.000 điểm trước đó.
Cơ hội dường như đã đến với một các doanh nghiệp khi khả năng phát hành riêng lẻ để huy động vốn đang đến gần.
Hai doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ “bứt phá” với kế hoạch phát hành thêm trong thời gian tới, phải kể đến là Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) và Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – HoSE: HAG). Hai đợt phát hành riêng lẻ sắp tới của Hòa Bình và HAGL đều có chung đặc điểm:
Thứ nhất: Khối lượng cổ phiếu phát hành hàng trăm triệu đơn vị, sẽ thay đổi lớn về cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp.
Thứ hai: Giá phát hành cao hơn thị giá (tại thời điểm ra nghị quyết)
Thứ ba: Số tiền thu về dùng để giải quyết những “điểm nóng” trong tình hình tài chính các doanh nghiệp như: trả nợ vay, xóa nợ phải trả,…
Tuy nhiên, đã gần một tháng trôi qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) – nơi nhận hồ sơ phát hành riêng lẻ đều chưa có phản hồi về hồ sơ phát hành của cả hai doanh nghiệp. Thời gian bắt đầu nhận hồ sơ, yêu cầu bổ sung, hoàn thiện, chấp thuận phương án phát hành,… trong nhiều trường hợp có thể kéo dài đến vài tháng.
Hoàng Anh Gia Lai: 1.300 tỷ đồng từ “một mối”?
Theo kế hoạch được công bố, HAGL sẽ phát hành 130 triệu cổ phiếu với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thu về 1.300 tỷ đồng. Mức giá này cao hơn một chút so với giá đóng cửa phiên giao dịch trước đó, ngày 23/11/2023.
Điều khiến giới đầu tư chú ý nhất trong phương án phát hành của HAGL chính là những cá nhân, tổ chức đã thông qua kế hoạch mua. Tất cả các cá nhân, tổ chức này đều liên quan đến “ông bầu” Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch LPBank – là đối tác vừa ký kết hợp tác toàn diện với HAGL trước đó một tháng.
Ông Nguyễn Đức Quân Tùng, nhà đầu tư cá nhân dự kiến sẽ mua 28 triệu cổ phiếu HAG, vừa được bổ nhiệm vị trí Quyền Tổng giám đốc Chứng khoán LPBank (LPBS).
Ngoài ông Tùng, hai tổ chức khác dự kiến mua vào cổ phiếu HAG là LPBS và Thaigroup với số lượng lần lượt 50 triệu và 52 triệu đơn vị. Hai tổ chức này đều có liên quan đến ông Nguyễn Đức Thụy.
Thaigroup (tiền thân là Tập đoàn Xuân Thành) do ông Nguyễn Xuân Thành, bố của “bầu” Thụy là người sáng lập. Ông Thụy cũng từng giữ vị trí chủ chốt tại đây trước khi làm Chủ tịch LPBank như hiện tại.
LPBS trước đây là Công ty Chứng khoán Liên Việt có cổ đông lớn là LPBank. Công ty đã thông qua kế hoạch tăng vốn lên tới 3.638 tỷ đồng (từ mức 250 tỷ đồng ban đầu) và dành một phần nguồn lực cho thương vụ đầu tư vào HAGL.
Nếu thương vụ thành công, nhóm cổ đông mới sẽ nắm giữ 12,3% cổ phần HAGL. Với tỷ lệ này, nhóm cổ đông mới sẽ có quyền đề cử thành viên HĐQT và tham gia sâu vào các quyết định trong hoạt động kinh doanh của HAGL trong thời gian tới.
Số tiền thu được từ thương vụ phát hành cổ phiếu riêng lẻ sắp tới sẽ chủ yếu được dùng để thanh toán nợ trái phiếu, nợ vay của HAGL và công ty con, một phần dùng để bổ sung vốn lưu động cho công ty con là Hưng Thắng Lợi Gia Lai.
Kỳ vọng thương vụ phát hành này sẽ mang lại cục diện mới sáng sủa hơn cho HAGL, doanh nghiệp suốt nhiều năm “chìm sâu trong nợ nần” – cổ phiếu HAG đã tăng tốc rõ rệt từ khi công ty công bố kế hoạch và nộp hồ sơ phát hành lên UBCKNN.
Biến động cổ phiếu HAG trong năm 2023 (Nguồn: VnDirect)
Từ mức dưới mệnh giá trước đó (có lúc thậm chí dưới 7.500 đồng/cổ phiếu), đóng cửa phiên giao dịch cuối năm, HAG đạt mức giá 13.200 đồng/cổ phiếu.
Bên cạnh kế hoạch phát hành, HAGL đồng thời thanh lý tài sản, bán công ty liên kết… để thu hồi tiền, giải quyết phần nào các khoản nợ vay, nợ trái phiếu đến hạn.
Hòa Bình – từ biến động thượng tầng đến tái cơ cấu toàn diện
2022 có thể là năm “tệ” nhất của Hòa Bình trong suốt lịch sử 35 năm của công ty. Hòa Bình lỗ tới 2.570 tỷ đồng sau khi trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi. Khó thu hồi các khoản nợ, công ty cũng đồng thời vướng phải một loạt các khoản nợ khó trả, vì chưa thu xếp được nguồn tiền.
2023, Hòa Bình có khả năng tiếp tục thua lỗ khi khoản lỗ 9 tháng đầu năm đã lên tới 884 tỷ đồng.
2023 cũng là năm nhiều biến động nhất của Hòa Bình khi chiếc ghế quyền lực (Chủ tịch HĐQT) liên tục bị tranh chấp. Khi mọi sóng gió đã qua, những điểm yếu trong kinh doanh của công ty cũng dần được lộ rõ.
Nửa cuối tháng 11/2023 – cũng gần như cùng lúc với HAGL, Hòa Bình công bố phương án phát hành riêng lẻ 252,5 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược – tương đương 92% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Giá phát hành (hoặc cấn trừ công nợ trực tiếp) đều trên mệnh giá, trong khi cổ phiếu HBC đang giao dịch dưới 8.000 đồng/cổ phiếu.
Toàn bộ số tiền thu về đều được dùng để thanh toán nợ vay ngân hàng và cấn trừ công nợ.
Hai nhà đầu tư nước ngoài mua 220 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ có thể là những nhà đầu tư liên quan đến chiến lược mở rộng kinh doanh ra nước ngoài của Hòa Bình.
Primetech VN Development and Investment JSC – nhà đầu tư đồng ý mua 120 triệu cổ phiếu có thể liên quan đến Primetech Constructions – đối tác vừa ký MOU với Hòa Bình thỏa thuận trị giá trên 2,4 tỷ USD để triển khai các dự án tại Úc và Vanuatu (một quốc gia thuộc châu Đại Dương).
Trong khi đó, Tumaz and Tumaz Enterpries Ltd – đối tác đồng ý mua 100 triệu cổ phiếu đến từ Kenya, nơi chủ tịch Lê Viết Hải vừa có chuyến công tác và đánh giá thị trường có nhiều tiềm năng.
Hai đối tác này sẽ nắm giữ gần 42% cổ phần Hòa Bình nếu phát hành thành công. Trong khi đó, Chủ tịch Lê Viết Hải bị giảm tỷ lệ sở hữu từ mức 17% hiện tại xuống còn dưới 9%. Số thành viên HĐQT sẽ được đề cử từ nhóm cổ đông mới sẽ có đối trọng đáng kể với ông Hải, trong khi mọi quyết định của HĐQT đều phải tuân thủ nguyên tắc đa số.
Về mặt tích cực, các thành viên mới của HĐQT có thể sẽ góp sức giúp Hòa Bình chóng vượt qua những khó khăn hiện tại. Về mặt tiêu cực, quyền lực của ông Hải bị giảm sút trong chính doanh nghiệp mà ông sáng lập, có thể là nguồn cơn của những tranh chấp quyền lực trong tương lai.
Nguồn tin: https://cafef.vn/2-dot-phat-hanh-duoc-trong-cho-nhat-dau-nam-2024-188231231151539857.chn