Trong văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc sử dụng vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), 2 doanh nghiệp sản xuất 2 loại vắc xin DTLCP đã được thương mại rộng rãi trên cả nước.
Đây là những vắc xin phòng bệnh DTLCP thương mại đầu tiên được cấp phép lưu hành, đặc biệt trong bối cảnh sau hơn 100 năm qua chưa có vắc xin thương mại trong phòng bệnh DTLCP được cấp phép trên thế giới.
Đó là CTCP thuốc thú y Trung ương NAVETCO với vắc xin NAVET-ASFVAC và CTCP AVAC Việt Nam với vắc xin AVAC ASF LIVE.
AVAC Việt Nam – Tập đoàn của doanh nhân kín tiếng Vũ Tiến Lâm và nhà khoa học Nguyễn Văn Điệp
CTCP AVAC Việt Nam có trụ sở tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên với Chủ tịch HĐQT là ông Vũ Tiến Lâm (sinh năm 1966).
Vốn điều lệ hiện tại của công ty là 586 tỷ đồng được góp vốn 72% bằng tiền (tương đương 422 tỷ đồng) và 28% bằng giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật (tương đương 164 tỷ đồng).
Theo nguồn tin chúng tôi được biết, quyền sở hữu trí tuệ nói trên là quyền sở hữu trí tuệ đối với DMAC – công nghệ về tế bào và virus, tạo được giống vắc xin nhân trên tế bào dòng đối với dịch tả lợn châu Phi do Tiến sỹ Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc của AVAC sáng chế. DMAC là kết quả nghiên cứu và hoàn thiện suốt 8 năm của ông Điệp ở Nhật Bản, đã được đăng ký bằng độc quyền sáng chế.
Điều này có thể thấy được qua cơ cấu cổ đông. Cổ đông sáng lập của AVAC là CTCP APPE JV Việt Nam (nắm 32,4%), CTCP Phát triển công nghệ nông thôn (nắm 18,75%), bà Phạm Tuyết Hạnh (nắm 20%), ông Nguyễn Văn Điệp (nắm 28%) và ông Vũ Tiến Lâm (nắm 0,85%).
Theo giới thiệu, CTCP Phát triển công nghệ nông thôn (CTCP RTD) do ông Vũ Tiến Lâm là Chủ tịch HĐQT, là Công ty có bề dày hơn 19 năm kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh các mặt hàng liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp như: thức ăn chăn nuôi, Vacxin, nuôi trồng thuỷ sản, thuốc Thú y, thực phẩm sạch. Công ty hiện có các nhà máy tại Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình và Bình Dương.
CTCP APPE JV Việt Nam có người đại diện pháp luật là bà Trần Thị Tám, hiện là Phó Tổng giám đốc của CTCP Phát triển công nghệ nông thôn.
AVAC trước đây là Công ty TNHH Một thành viên AVAC Việt Nam, mới tăng vốn từ 305 tỷ lên 586 tỷ từ tháng 7/2022. Đây cũng là thời điểm vắc xin dịch tả lợn châu Phi của AVAC là AVAC ASF LIVE được phép lưu hành.
Navetco – Công ty có sự góp mặt của Nova Consumer
Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Trung ương Navetco tiền thân là Viện Quốc gia Vi trùng học và Bệnh lý Gia súc, được thành lập từ năm 1955 với chức năng chủ yểu là chẩn đoán bệnh và sản xuất một lượng nhỏ vaccine cho gia súc. Hiện nay Navetco được sở hữu 65% bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 12,18% bởi CTCP Nova Consumer.
Các sản phẩm của Navetco là Dược phẩm thú y (dung dịch kháng sinh tiêm cho gia súc, Đặc trị nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu hóa), vắc xin (viêm da nổi cục, lở mồm long móng…), Dược phẩm thú y hải sản (men vi sinh, enzyme…)
Năm 2022, công ty đạt 460 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 24% so với năm trước, đồng thời lợi nhuận sau thuế cũng giảm gần 21% còn 53 tỷ đồng. EPS đạt 2.538 đồng. Navetco đều đặn trả cổ tức với tỷ lệ trên 20%.
Trong dàn HĐQT của Navetco, ông Nguyễn Hiếu Liêm – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Nova Consumer giữ vị trí thành viên HĐQT Navetco, đại diện sở hữu cho 1.949.431 cổ phần của CTCP Nova Consumer, tương đương 12,18%.