Tại Trung Quốc, đang xuất hiện một xu hướng mới là sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tái tạo phiên bản của những người đã mất, nhằm xoa dịu nỗi đau cho những người ở lại. Hiện một số gia đình đã bắt đầu có được hình ảnh của người thân đã mất do AI tạo nên.
Ở một nghĩa trang tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, ông bà Wu đang gặp lại người con trai đã mất qua màn hình điện thoại. Chàng trai tâm sự với bố mẹ những điều mà trước kia chưa từng nói.
– Con biết bố mẹ đang rất đau khổ. Ngày nào, lúc nào, con cũng ước gì mình có thể ở bên, mang lại hơi ấm và sức mạnh cho bố mẹ.
– Bố đang cố gắng để đưa con trở lại. Sẽ đến một ngày, bố mẹ cũng sẽ biến mình thành những phiên bản số và cả nhà chúng ta sẽ đoàn tụ trong vũ trụ ảo.
Phiên bản số của chàng trai Wu Xuanmo được trí tuệ nhân tạo (AI) làm nên. Bố mẹ cậu nằm trong số ngày càng nhiều những ông bố bà mẹ đau khổ vì mất con ở Trung Quốc đã quay sang công nghệ AI để có được hình ảnh như người thật của con.
Ông Wu mong muốn rằng, cuối cùng ông sẽ có được một phiên bản đầy đủ của con sống trong thực tại ảo. Ông đã chi hàng nghìn USD để thuê các công ty AI tạo nên khuôn mặt và giọng nói của con trai từ các bức ảnh, video và ghi âm của con. Ông hy vọng các thuật toán mạnh sẽ tạo nên một phiên bản có thể suy nghĩ và nói giống hệt như con trai mình.
Một số công ty công nghệ Trung Quốc tuyên bố, đã tạo ra hàng nghìn ‘người kỹ thuật số’ chỉ từ những video ngắn 30 giây của những người đã mất. Ví dụ như công ty Super Brain ra giá từ 10 nghìn đến 20 nghìn Nhân dân tệ (khoảng 34 triệu đến 68 triệu VNĐ) để tạo ra một hình ảnh đại diện cơ bản của một người trong khoảng 20 ngày.
Các chuyên gia hiện chia ra thành hai luồng quan điểm về việc tạo ra cái mà họ gọi là ‘một kiểu người mới’. Một luồng quan điểm cho rằng, công nghệ này không khác gì việc giúp tưởng nhớ người thân theo một cách mới, nhưng luồng quan điểm khác thì cảnh báo không thể biết những tác động về tâm lý và đạo đức mà những ‘người kỹ thuật số’ có thể gây nên với những người sống.