Một nhóm nhà thiên văn học mới đây đã phát hiện dấu vết khả nghi trong dữ liệu hồng ngoại từ thập niên 1980 – manh mối có thể liên quan đến Hành tinh Thứ Chín (Planet Nine), hành tinh giả thuyết được cho là đang ẩn náu ở rìa Hệ Mặt Trời.
Kể từ năm 2016, hai nhà khoa học Konstantin Batygin và Mike Brown tại Caltech đã đưa ra bằng chứng cho thấy một nhóm vật thể ở ngoài quỹ đạo Sao Hải Vương có hành vi chuyển động kỳ lạ – như thể bị chi phối bởi một khối lượng lớn vô hình nào đó. Từ đó đến nay, giới thiên văn đã ráo riết truy tìm một hành tinh chưa từng được quan sát trực tiếp – được dự đoán có khối lượng gấp 7 đến 17 lần Trái Đất, nằm cách Mặt Trời tới 500-700 đơn vị thiên văn (AU).

Trong nghiên cứu mới được đăng trên arXiv (chưa qua bình duyệt), nhóm tác giả đã đào sâu vào hai cuộc khảo sát toàn bầu trời bằng tia hồng ngoại: IRAS (diễn ra vào thập niên 1980) và AKARI (triển khai năm 2006). Với khoảng cách thời gian 23 năm giữa hai tập dữ liệu, họ kỳ vọng sẽ bắt được dấu vết di chuyển cực chậm của một vật thể xa xôi – ứng với đặc điểm chuyển động của Planet Nine nếu nó thực sự tồn tại.
Sau khi rà soát và loại trừ nhiều tín hiệu gây nhiễu, nhóm đã thu hẹp danh sách xuống chỉ còn một cặp dữ liệu “đáng ngờ”: tín hiệu từ IRAS không còn xuất hiện ở cùng vị trí trong ảnh AKARI, và ngược lại – phù hợp với quỹ đạo chậm rãi của một vật thể ở xa. Đặc biệt, vị trí của nguồn sáng trong ảnh AKARI trùng khớp với mô hình chuyển động dự đoán trong suốt 6 tháng quan sát.
Tuy nhiên, các tác giả thừa nhận phát hiện này vẫn còn sơ khởi, chưa đủ dữ liệu để tính toán quỹ đạo của vật thể – vốn là yếu tố then chốt để xác nhận liệu đây có thực sự là Planet Nine hay không. Họ kêu gọi các đài quan sát lớn trên thế giới tiến hành khảo sát sâu hơn tại vùng trời nghi vấn này.
Hành tinh Thứ Chín, nếu tồn tại, sẽ là mảnh ghép còn thiếu giúp giải thích các bất thường trong cấu trúc quỹ đạo của Vành đai Kuiper, cũng như sự hiện diện của các vật thể ngược chiều quay trong Hệ Mặt Trời. Nó cũng giúp Hệ Mặt Trời trở nên “bình thường” hơn so với phần lớn các hệ hành tinh đã quan sát được – nơi mà những hành tinh lớn hơn Trái Đất nhưng nhỏ hơn Sao Hải Vương (gọi là super-Earths) lại cực kỳ phổ biến.
Việc tìm kiếm một hành tinh trong chính Hệ Mặt Trời của chúng ta – nghịch lý thay – vẫn khó khăn hơn nhiều so với việc phát hiện hàng ngàn ngoại hành tinh quay quanh các ngôi sao xa xôi. Nhưng nếu dấu vết từ thập niên 1980 thực sự là manh mối về hành tinh chưa từng được biết tới, thì có lẽ lời giải cho bí ẩn kéo dài gần một thập kỷ đang nằm ngay trong dữ liệu cũ kỹ mà giới thiên văn từng bỏ qua.
Anh Việt
Nguồn tin: https://genk.vn/vi-sao-manh-moi-dau-tien-ve-hanh-tinh-thu-chin-co-the-da-nam-san-trong-du-lieu-thien-van-40-nam-truoc-202505080937351.chn