Game di động và console gần như đi theo hai hướng thiết kế riêng biệt, một bên phát triển cho tay cầm và bàn phím, bên thì tập trung vào màn hình cảm ứng với cách tương tác rất khác nhau. Do đó, việc đem một game console lên di động không phải là đơn giản.
Tuy nhiên, Apple đã giúp thay đổi định kiến “điện thoại không thể chơi bom tấn Console/PC” khi phối hợp với các nhà làm game đưa những Death Stranding hay Resident Evil và gần đây nhất là Assassin’s Creed Mirage lên mọi nền tảng của mình, bao gồm cả iPhone.
Thừa thắng xông lên, Ubisoft một lần nữa chứng minh đẳng cấp “chuyển nhà” cho game của mình khi phiên bản di động của Prince of Persia: The Lost Crown có những tùy biến tốt đến mức khiến người chơi có cảm giác như game được phát triển riêng cho nền tảng di động.

Đáng chú ý, game chuyển thể bởi đội ngũ Ubisoft Đà Nẵng. Việc chuyển một game AAA sang điện thoại chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhưng với The Lost Crown, Ubisoft Đà Nẵng đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình: game vẫn giữ đồ hoạ nghệ thuật đẹp mắt, chạy ổn và đặc biệt là rất hợp với trải nghiệm chơi game trên iPhone và iPad. Có thể nói đây là một trong những game hành động/platformer di động xuất sắc nhất trên di động hiện nay.
Prince of Persia The Lost Crown – Thương hiệu huyền thoại quay trở lại nơi bắt đầu
Có thể bạn chưa biết, nhưng đây không phải lần đầu tiên một tựa game Prince of Persia ra mắt trên nền tảng Apple. Thậm chí cả hai đã có một mối liên kết từ rất lâu, cụ thể là phiên bản Prince of Persia đầu tiên được phát hành vào năm 1989 trên Apple II do Jordan Mechner phát triển. Đây là nền tảng đầu tiên mà trò chơi xuất hiện và cũng là nơi nó gây tiếng vang lớn nhờ đồ họa chuyển động mượt mà và gameplay đột phá thời đó.

Prince of Persia được khai sinh trên Apple II bởi Jordan Mechner
Từ những năm 1990 trở đi, đặc biệt khi Windows và PC phổ biến hơn, các bản tiếp theo của Prince of Persia (như The Shadow and the Flame, rồi đến The Sands of Time vào 2003) chủ yếu được phát hành trên nền tảng Windows, PlayStation và Xbox, không còn gắn bó với Apple như thuở ban đầu.
Sự thành công của Prince of Persia trên nền tảng khác lúc bấy giờ đã phản ánh tình trạng bất ổn mà Apple đang trải qua, nhưng như dòng cát thời gian đảo ngược, mấy chục năm sau, Apple giờ đây đang ở vị thế dẫn đầu ngành công nghệ và tựa game vang danh một thời nay đã tìm đường trở về nguồn cội. Không chỉ ở nền tảng mà còn về cách chơi.
Prince of Persia bắt đầu là game cuộn cảnh 2D nhưng các bản nổi tiếng nhất phải kể đến series hành động 3D sau này. The Lost Crown đã quay trở lại gameplay side-scrolling (cuộn cảnh) thay vì di chuyển tự do trong màn hình, đây là một hướng đi táo bạo nhưng cần thiết để làm sống lại một thương hiệu lâu đời, cân bằng giữa yếu tố hoài niệm và những đổi mới cần thiết để phù hợp với xu hướng hiện tại và người chơi mới. Đồng thời cũng chính sự thay đổi này làm cho game phù hợp với các nền tảng di động như iPhone, iPad và Android.
Điều tôi luôn yêu thích ở dòng game Prince of Persia là lối chiến đấu linh hoạt, hoa mĩ và The Lost Crown vẫn giữ được tinh thần ấy. Ngay từ phần mở đầu kiêm hướng dẫn, bạn sẽ được hóa thân vào nhân vật mới Sargon – một chiến binh trẻ trung, mạnh mẽ thuộc nhóm The Immortals. Dù không được điều khiển chính “Hoàng tử Ba Tư”, người chơi lại đóng vai trò đi… giải cứu hoàng tử – một hướng đi mới khiến nhiều fan không khỏi băn khoăn lúc đầu. Nhưng rồi chính Sargon lại chứng minh mình xứng đáng là trung tâm mới của loạt game.

Thay đổi nhân vật chính là một quyết định táo bạo nhưng hoàn toàn đúng đắn: nó mang đến làn gió mới cho một series đã quá lâu đời và với một Sargon đầy nhanh nhẹn, chính xác, đầy năng lượng, game trở nên cực kỳ thú vị, kể cả trên màn hình cảm ứng.
Cơ chế điều khiển đáng khen ngợi
Đối với những game được chuyển từ PC/console lên di động, hầu hết người chơi sẽ được khuyến khích sử dụng tay cầm, The Lost Crown cũng thế, nhưng thực tế bạn hoàn toàn có thể trải nghiệm bằng màn hình cảm ứng.
Tại sao đây lại là một điểm đáng chú ý trên The Lost Crown, chẳng phải game nào chuyển thể cũng chơi được bằng màn hình cảm ứng? Trước tiên, hãy nhìn vào cơ chế điều khiển cảm ứng của các game AAA trước đó, như trên Death Stranding:

Câu nói nổi tiếng của Steve Jobs về bút stylus bỗng hiện ra trong đầu tôi: Không ai muốn chơi game AAA bằng cái đống nút cảm ứng này cả!
Và đây là trên The Lost Crown:

Vừa nhìn vào chúng ta đã thấy ngay sự khác biệt.
Tựa game được Ubisoft Đà Nẵng tối ưu cơ chế điều khiển để thân thiện với màn hình cảm ứng. Không còn là “bê” nguyên cái tay cầm ảo vào mà tinh chỉnh cho chúng rất giống với “style” của game di động với từng kỹ năng được gán cho một nút riêng mà bạn thường thấy trên những game phổ biến như Liên Quân Mobile hay PUBG Mobile.
Điều này từng xuất hiện trên Assassin’s Creed Mirage, nhưng Ubisoft Đà Nẵng còn đi xa hơn nữa trong việc cung cấp cho người chơi mọi tuỳ chỉnh mà họ cần để phù hợp cho cỡ tay và thiết bị. Khác với tay cầm, điện thoại có rất nhiều kích thước khác nhau mà chỉ cần lệch ngón tay một chút là rất khó thao tác. Hiểu được điều này, The Lost Crown cho phép người chơi điều chỉnh kích cỡ và di chuyển biểu tượng chiêu thức đến mọi nơi trên màn hình mà mình cảm thấy vừa ý nhất.

Game cung cấp khả năng tùy biến nút bấm đa dạng, phù hợp với mọi người chơi.
Chưa dừng lại ở đó, phiên bản di động cũng giới thiệu một số tính năng mới như tự động dùng vật phẩm hồi máu (auto-potion), tự động đỡ đòn (auto-parry), tự động bám tường trong các pha bay nhảy, hỗ trợ dùng kỹ năng cùng nhiều cải tiến chất lượng khác, giúp game trở nên dễ tiếp cận hơn.

Thậm chí, người chơi có thể… giảm tốc độ của game xuống còn 90% hay 75% để dễ thao tác hơn.
Đây là một trong những tựa game hiếm hoi trên di động mà người chơi cảm thấy hoàn toàn “hòa nhập” với thiết bị – như thể nó vốn dĩ được sinh ra để chơi bằng iPhone hoặc iPad. Điều này kết hợp với cơ chế di chuyển 2D, giúp người chơi thực hiện được lối đánh nhanh, nhịp độ chiến đấu dồn dập mà không bị khó chịu bởi điều khiển.
Tất nhiên, nếu có một tay cầm thì cảm giác chơi vẫn “sướng” hơn, nhưng bạn hoàn toàn có thể an tâm thưởng thức game bằng màn hình cảm ứng, cuối cùng thì một game chuyển thể cho di động vẫn cần phải đủ tốt để chơi… di động mọi lúc mọi nơi, điều mà nhiều game khác đã không làm được.

Game đề xuất chơi bằng tay cầm để có trải nghiệm tốt nhất, nhưng với các tùy chỉnh, bạn hoàn toàn có thể thưởng thức với màn hình cảm ứng.
Một cơ chế điều khiển tốt là điều rất cần thiết vì The Lost Crown không phải là một game dễ, những tính năng hỗ trợ sẽ giúp ích phần nào, nhưng game vẫn đòi hỏi sự tập trung và phản xạ nhanh, nhưng thay vì gây ức chế, nó mang đến một thách thức thú vị khiến chúng ta muốn chinh phục.
Tất cả các tính năng hỗ trợ người chơi từng giành giải thưởng Innovation in Accessibility tại The Game Awards 2024 cũng sẽ có mặt trong phiên bản này, bao gồm Eye of the Wanderer, cho phép người chơi chụp ảnh màn hình và ghim lên bản đồ làm dấu để khám phá.

Một điểm cộng khác là hệ thống kỹ năng mang tên Athra Surges – những đòn đánh đặc biệt mạnh mẽ có thể hạ gục kẻ thù chỉ trong chớp mắt. Thanh Athra sẽ tăng lên mỗi lần bạn tấn công, và khi kích hoạt đúng lúc, Sargon có thể tạo ra những màn trình diễn chiêu thức hoành tráng.
Có thể nói Ubisoft Đà Nẵng đã thực hiện rất tốt việc tối ưu điều khiển trên di động, nhưng còn hiệu năng thì sao?
“Vận hành ổn định với tốc độ 60FPS trên hầu hết các thiết bị di động thế hệ mới”
Đó là những gì Ubisoft Đà Nẵng đã tuyên bố khi giới thiệu phiên bản chuyển thể của Prince of Persia: The Lost Crown và thật sự họ đã làm được, nhưng vẫn có một số điểm cần chú ý nếu bạn muốn trải nghiệm tựa game này.
Đầu tiên là cấu hình tối thiểu, game yêu cầu thiết bị tối thiểu 4GB RAM, iOS 14 và Apple A13 trở lên. Về phần Android thì trên Play Store chỉ yêu cầu từ Android 7.0 trở lên, do có vô số máy Android nên đưa ra cấu hình chính xác khá khó khăn. Tuy nhiên, game cho phép người chơi trải nghiệm demo miễn phí trên cả iOS lẫn Android nên bạn có thể tải về thử.
Về mặt đồ hoạ, tôi đã từng chơi qua phiên bản trên PS5, so với đó (cũng như bản Windows và Mac), bản di động đã được tinh giảm đi một số chi tiết bề mặt và các hiệu ứng đồ hoạ, như phản chiếu, đổ bóng. Điều này càng được khẳng định qua dung lượng game, ~5,7GB trên iOS và hơn 27GB trên Mac. Bên cạnh đó, người dùng cũng không thể điều chỉnh chất lượng hình ảnh trên iOS, xuyên suốt mọi thiết bị, chất lượng hình ảnh sẽ giống nhau, chỉ khác ở khả năng vận hành, nhưng không vì thế mà game mất đi sự nghệ thuật trong hình ảnh.

Đồ họa phiên bản mobile của Prince of Persia: The Lost Crown vẫn mang đậm dấu ấn nghệ thuật, kết hợp giữa phong cách hoạt hình và cảm hứng từ thần thoại Ba Tư.
Thay vì theo đuổi tính chân thực, trò chơi chọn cách thể hiện bằng bảng màu rực rỡ và hiệu ứng chiến đấu bắt mắt, đủ để tạo nên một thế giới 2.5D cuốn hút. Mỗi khu vực trong game, từ rừng rậm tươi tốt, sa mạc khô cằn đến hành lang cung điện rực lửa, đều được chăm chút tỉ mỉ, mang đến cảm giác như một bức tranh chuyển động.
Về mặt hiệu năng, tôi đã thử nghiệm game trên iPhone 16 Pro Max và Prince of Persia: The Lost Crown chạy mượt mà ở 60FPS, tuy nhiên các đoạn cắt cảnh đôi khi sẽ bị khựng và giảm FPS, nhìn chung vẫn không ảnh hưởng lớn. Tôi chưa có dịp thử trên các mẫu iPhone cũ hơn, nhưng theo tìm hiểu thì iPhone 12 Pro Max vẫn chạy được ở 60 FPS, tuy nhiên tỉ lệ bị giật có phần cao hơn ngay trong combat, nhất là lúc boss ra đòn có nhiều hiệu ứng hoặc nhân vật ra chiêu có hoạt ảnh phức tạp.
Trải nghiệm Prince of Persia: The Lost Crown trên iPhone 16 Pro Max
Tôi cũng thử game trên iPad Mini (chip A17 Pro) và iPad Pro 13 inch M4. Với iPad Mini, nó vẫn rất ổn cho việc cầm chơi game vì kích thước không quá to cũng như cân nặng khá nhẹ nhàng, và tất nhiên với khả năng cho tùy chỉnh nút cảm ứng trên màn hình nên mọi thứ vẫn rất thoải mái và dễ làm quen. Tuy nhiên với iPad Pro 13 inch thì khó có thể “quẩy” với màn hình cảm ứng được.
Một điểm tôi chợt nhận ra là khi chuyển sang chơi ở máy khác, đó là hệ thống save game qua đám mây… không tự động hoạt động dù có hỗ trợ, hy vọng lỗi này sẽ sớm được khắc phục. Cụ thể hơn, dù có quảng bá là lưu game trên cloud, nhưng thực tế mỗi lần lưu game ở các điểm lưu mặc định, nó chỉ ghi lại ở trên chính chiếc máy đó, và nếu cầm sang một chiếc điện thoại hay máy tính bảng khác (dù có cùng hệ Táo), file save đó không hề tồn tại.
Việc này tạm thời có thể xử lý bằng cách mỗi lần chơi xong, bạn phải vào settings trong giao diện game để upload file save đó lên cloud, và khi sang máy khác thì tải cloud đó về. Nếu ở nhà mà đang chơi trên iPad, bạn muốn đổi gió cầm iPhone ra quán cafe để giải trí một chút thì hãy nhớ kiểm tra và upload file save lên cloud nhé!
Việc upload và download các file save game qua cloud buộc phải làm thủ công…
Về độ mượt mà, theo tôi game chạy chưa mượt lắm trên iPad Mini nhưng vẫn ổn hơn iPhone 12 Pro Max, 60FPS cũng là khung hình mục tiêu, game đôi khi bị khựng trong các pha xuất chiêu đặc biệt khi combat và sụt FPS khi chuyển cắt cảnh. Việc này làm ảnh hưởng đôi chút trải nghiệm, còn tổng hòa khi đi cảnh, nhảy vượt chướng ngại vật hay đánh quái bình thường thì không bị vấn đề gì.
Và theo tôi iPad Pro M4 chính là chiếc máy có hiệu năng tốt nhất, cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi đây vốn dĩ là con chip mạnh mẽ dành cho các dòng máy tính của Apple. Máy có màn hình 120Hz, không chỉ là 60 FPS, game giờ đây chạy siêu mượt ở 120 FPS, các vấn đề giật hình đã biến mất, mang đến trải nghiệm di động tuyệt vời nhất. Nhưng điều này cũng để lại cho tôi một chút tiếc nuối, phải chi Ubisoft có thêm tùy chọn chất lượng hình ảnh cho iPad Pro M4 thì có lẽ tôi đã được thưởng thức một game còn đẹp hơn nữa, dù chạy ở 60FPS cũng đáng đánh đổi. Bên cạnh đó, game không hiển thị toàn màn hình trên iPad, hai vạch đen sẽ xuất hiện ở trên và dưới.

iPad Pro M4 là nền tảng di động “chiến” game mượt nhất, nhưng có lẽ chưa khai thác hết sức mạnh của con chip này
Trên tất cả các phiên bản di động, Ubisoft Đà Nẵng đã tối ưu để Prince of Persia: The Lost Crown chỉ dùng hơn 2GB RAM, điều này giúp game chạy được trên những máy đời cũ có RAM hạn chế, nhưng đồng thời cũng chưa tận dụng được sức mạnh của các mẫu máy mới nhất. Hy vọng trong tương lai Ubisoft có thể tung ra một bản cập nhật nâng cấp đồ hoạ, đặc biệt là cho mẫu iPad Pro.
Lời kết
Sau một thời gian dài vắng bóng trên thị trường, The Lost Crown thực sự là điểm sáng mới cho thương hiệu hơn 20 năm tuổi. Phiên bản mới không cố gắng tái hiện lại ánh hào quang của The Sands of Time (dù ai cũng công nhận phần đó là “đỉnh cao”), mà thay vào đó, đi theo một hướng mới với phong cách đồ họa độc đáo và cơ chế chiến đấu 2.5D. Phiên bản di động đã được Ubisoft Đà Nẵng tinh chỉnh khả năng điều khiển để trên nên rất phù hợp với nền tảng di động, điều mà những game AAA console trước đó chưa làm được khi lên mobile.


iPad Mini 7 cũng khá lý tưởng để chơi với màn hình cảm ứng nhờ độ mỏng nhẹ của nó.
Prince of Persia: The Lost Crown hiện đã có mặt trên Mac, iOS, iPadOS và Android, người chơi có thể tải bản demo hoàn toàn miễn phí để quyết định có nên “xuống tiền” hay không.
Nguồn tin: https://genk.vn/trai-nghiem-prince-of-persia-the-lost-crown-tren-iphone-ipad-ubisoft-da-nang-da-dua-huyen-thoai-tro-lai-noi-bat-dau-mot-cach-co-tam-20250502162334538.chn