Trí tuệ nhân tạo (AI) đang len lỏi vào từng ngóc ngách của môi trường làm việc hiện đại, khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu AI có thay thế con người, đặc biệt là những vị trí mới vào nghề như thực tập sinh? Các chuyên gia công nghệ cho rằng sự xuất hiện của AI không đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội, mà là sự mở ra một thời kỳ thích nghi và chuyển mình mạnh mẽ.
Serge Van Dam, nhà đầu tư công nghệ kiêm chuyên gia AI, nhận định rằng nỗi lo bị thay thế bởi máy móc không phải thứ gì quá đỗi mới mẻ. “Đây không phải là phản ứng xa lạ của con người trước những đổi mới mang tính cách mạng”, ông nhận định.
Theo ông, lo lắng thường đến từ việc chưa tiếp xúc hoặc chưa hiểu rõ bản chất của công nghệ mới.
Một thực tập sinh biết dùng AI sẽ chứng minh được giá trị của mình – Ảnh tạo bởi AI.
Để giúp mọi người tiếp cận AI dễ hơn, ông đưa ra ba mô hình so sánh: AI như một thực tập sinh, một thứ siêu năng lực và một cộng sự. Mô hình “thực tập sinh” là ví dụ điển hình: AI có thể đảm nhận các công việc lặp lại, tốn thời gian – những gì người ta thường giao cho thực tập sinh.
Ví dụ thực tế đến từ chính em gái ông, một bác sĩ tập sự đã sử dụng công cụ AI để soạn thư y khoa, giúp tiết kiệm ít nhất một giờ mỗi ngày. Cô khẳng định rất thích AI nhờ những lợi ích nó mang lại
Điều đáng nói, Van Dam không cho rằng điều này làm thực tập sinh trở nên lỗi thời. Ngược lại, ông nhấn mạnh: chính những thực tập sinh biết tận dụng AI mới là người đang tạo ra sự khác biệt.
Điển hình như nền tảng pháp lý Law Cyborg tại Auckland, nơi các luật sư trẻ có thể thực hiện những công việc cấp cao chỉ trong vài phút, điều trước đây phải cần đến hàng chục năm kinh nghiệm. “Nếu một thực tập sinh biết sử dụng công cụ AI, có tư duy hiện đại và giao tiếp tốt, họ có thể làm tốt và nhanh hơn những công việc vốn cần người có 25 kinh nghiệm”, ông nói.
Ngành giáo dục cũng chứng kiến những chuyển biến tương tự. Theo bà Lucy Naylor, Chủ tịch Hiệp hội Hiệu trưởng Tiểu học Auckland, giáo viên đang chủ động khám phá những lợi ích mà AI mang lại, đặc biệt trong việc tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa hiệu quả giảng dạy.
“AI thật sự ấn tượng khi có thể tóm tắt tài liệu, tạo bảng biểu… nhờ vậy, giáo viên có thể dành thời gian chất lượng hơn cho học sinh”, bà chia sẻ.
Còn bà Nicola Hewitt, Chủ tịch Hiệp hội Lãnh đạo Cấp cao North Shore, thì khẳng định: AI đã và đang hiện diện trong lớp học. Dù chưa hoàn hảo, AI giúp giáo viên mở rộng chương trình học và cá nhân hóa trải nghiệm học tập của học sinh. “Nó sẽ không thay thế giáo viên, nhưng sẽ thay thế những giáo viên không biết sử dụng nó”, bà Hewitt nói về AI.
Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh: AI chỉ là công cụ hỗ trợ, không thể thay thế giáo viên. Họ cho rằng mối liên hệ giữa nhà giáo và học sinh là độc nhất, không AI nào bắt chước được.
AI cũng không thể thay thế tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề và kỹ năng hợp tác – những thứ mà bà Hewitt cho là những yếu tố cốt lõi trong giáo dục hiện đại.
Tất nhiên, song hành với tiềm năng là trách nhiệm. Naylor và Hewitt đều kêu gọi xây dựng các chính sách rõ ràng để đảm bảo AI được sử dụng an toàn, có đạo đức và bảo vệ được học sinh cũng như giáo viên. Họ cũng kỳ vọng AI sẽ sớm được tích hợp vào chương trình giáo dục chính thống.
Trong bối cảnh đó, Van Dam tin rằng nếu biết tận dụng AI một cách thông minh, người trẻ có thể trở thành thế hệ bứt phá. Thay vì lo sợ, có lẽ đã đến lúc chúng ta nên tiếp cận AI bằng sự tò mò và khát khao học hỏi, không chỉ để tồn tại trong thời đại mới, mà dùng AI để vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.

Nguồn tin: https://genk.vn/tri-tue-nhan-tao-se-dat-dau-cham-het-cho-thuc-tap-sinh-20250519154459308.chn