Bác sĩ Đỗ Xuân Hùng, Trưởng khoa Ngoại, Trung tâm y tế huyện Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ) cho biết, nam thanh niên 27 tuổi (trú tại huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) bị trật khớp thái dương – hàm hai bên. Người này được điều trị cấp cứu nắn chỉnh đưa lồi cầu về vị trí chức năng bình thường và băng cố định cằm đầu theo dõi trong một giờ.
Trật khớp thái dương – hàm là sự mất tương quan giải phẫu bình thường giữa lồi cầu xương hàm dưới và lồi khớp xương thái dương. Nếu không điều trị kịp thời dễ dẫn đến cứng khớp, giãn dây chằng không hồi phục. Khi bệnh tiến triển nặng sẽ gây nguy hại cho khớp thái dương hàm tổn thương khớp thái dương – hàm, làm nhuyễn sụn khớp, thoái hóa và có thể dẫn đến dính khớp thái dương – hàm. Khi đó các đầu khớp bắt đầu thoái hóa gây dính giữa đĩa khớp với các đầu xương, có thể dẫn đến thủng đĩa khớp.
Trước đó, một bé gái 13 tuổi trú tại TP.HCM cũng không ngậm được miệng, không uống được nước sau khi ngáp lớn, phải đi cấp cứu trong đêm. Trẻ được chẩn đoán trật khớp thái dương – hàm hai bên. Bé được nắn chỉnh đưa hàm dưới về vị trí bình thường và băng cố định cằm đầu, theo dõi trong một giờ.
Sau điều trị, bé có thể ngậm miệng và cười bình thường. Khi nắn thành công, bệnh nhi cần băng thun cằm đầu 10-14 ngày để tránh tái phát, hạn chế các tác động quá mức lên ổ khớp.
Chuyên gia khuyến cáo người dân khi thấy có dấu hiệu không ngậm miệng được sau khi ngáp, há lớn, khóc, cười cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Sau nắn chỉnh trật khớp, cần ăn thức ăn mềm, hạn chế nói chuyện to, cười lớn, há miệng quá mức.
Nguồn tin: https://genk.vn/trat-khop-quai-ham-khong-khep-duoc-mieng-do-ngap-lon-20240611192824032.chn