Một mùi hôi thối bí ẩn vừa mới xuất hiện trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), các phi hành gia của Cơ quan Vũ trụ Liên Bang Nga (Roscosmos) mới đây cho biết. Vụ việc đã buộc họ phải đóng cửa sập để ngắt kết nối modul Poisk, nơi họ đang làm việc, với toàn bộ phần còn lại của trạm vũ trụ, nhằm ngăn không cho mùi hôi lan tràn sang các modul khác.
Các phi hành gia người Nga sau đó đã phải mặc đồ bảo hộ, trong khi bật máy lọc không khí để khử đi mùi hôi thối khó chịu mà họ không chắc chắn đã bắt nguồn từ đâu.
Báo cáo ban đầu cho rằng mùi hôi có thể đã xuất hiện sau khi tàu vũ trụ không người lái Progress kết nối với mô đun Poisk để chuyển giao hàng tiếp tế.
Tàu Progress được phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan vào ngày 21-11, mang theo “gần 3 tấn thực phẩm, nhiên liệu và vật tư” cho các phi hành gia người Nga. Nếu mùi hôi thối thực sự phát ra từ những vật tư tiếp tế này, nó sẽ biến mất sau khi Progress trở về Trái Đất.
Nhưng không loại trừ khả năng mùi hôi ấy đến từ chính Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), một không gian kín cũ kỹ đã bay liên tục hơn 30 năm trên quỹ đạo. Ngay cả Poisk, một modul được lắp ghép vào năm 2009 cũng được coi là khá mới trên ISS, cũng đã có tuổi đời 15 năm.
Các phi hành gia trước đây đã nhiều lần báo cáo Trạm Vũ trụ Quốc tế có mùi khó chịu mà họ ví như mùi thịt bò cháy hoặc mùi hôi của cơ thể. Bạn cũng có thể tưởng tượng nó như mùi của một chiếc xe ô tô cũ, đã hơn 30 năm tuổi, mà chưa từng được dọn nội thất – một điều gần như bất khả vì không có trạm rửa xe nào trên vũ trụ.
Theo dự kiến, Trạm vũ Trụ Quốc tế sẽ chỉ hoạt động từ giờ cho tới năm 2031, trước khi bị bắn hạ và đánh chìm xuống nghĩa địa vệ tinh Point Nemo ở Thái Bình Dương. Hiện cơ quan hàng không vũ trụ các quốc gia bao gồm Mỹ, Nga và Liên bang Châu Âu (EU) chưa có phương án thay thế ISS.
Nhiều khả năng họ sẽ dựa vào các công ty hàng không vũ trụ tư nhân, khi họ đang chạy đua với thời gian để thiết kế và phóng các modul có thể thay thế Trạm Vũ trụ Quốc tế trong tương lai.
Quay trở lại với mùi hôi thối mới được báo cáo trên ISS, Kelly O. Humphries – người phụ trách tin tức tại Trung tâm Vũ trụ Johnson của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ở Houston cũng xác nhận phía Mỹ đã được thông báo về sự cố trong modul của các phi hành gia Nga.
Phía NASA cho biết mùi hôi này đã thoát ra cùng “một số giọt chất lỏng” mà các phi hành gia nhìn thấy bằng mắt thường có thể là hậu quả của hiện tượng thoát khí từ các vật liệu bên trong tàu vũ trụ.
“Thoát khí” là hiện tượng có thể xảy ra khi các vật thể nhân tạo rời khỏi lớp khí quyển bảo vệ của Trái đất và bước vào môi trường chân không đầy bức xạ, nơi nhiệt độ có thể dao động từ 121 độ C đến âm 158 độ C.
Các điều kiện này khiến vật liệu giải phóng khí hoặc hơi nước bị giữ lại bên trong. Những khí này đôi khi có thể có mùi hôi và nếu hơi nước bị giữ lâu trong không gian hạn chế, nó cũng có thể gây ra mùi hôi tích tụ.
Đó là lý do tại sao các cơ quan vũ trụ thường chỉ cho phép gửi các vật liệu có đặc tính thoát khí thấp lên ISS. NASA thậm chí còn vận hành một bộ phận gọi là ban giám sát mùi, gồm các chuyên gia hoá học chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là ngửi và kiểm tra mùi của những thứ mà NASA muốn gửi lên Trạm vũ Trụ Quốc tế.
” Chúng tôi kiểm tra mùi của tất cả các vật dụng sẽ có trong khu vực sinh sống của Trạm vũ trụ quốc tế và kiểm tra xem có mùi khó chịu hoặc khó chịu nào có thể khiến các phi hành gia buồn nôn và có thể gây nguy hiểm cho năng suất và nhiệm vụ của các phi hành gia hay không”, George Aldrich, trưởng ban giám sát mùi của NASA chia sẻ, ông đã làm công việc này được gần 50 năm.
Không chỉ gây khó chịu, các loại khí dễ bay hơi và hơi nước có thể làm gỉ bề mặt, thấu kính mây, gây nhiễu tín hiệu và làm hỏng các thiết bị tinh vi , chưa kể đến các mối đe dọa tiềm tàng đối với sức khỏe của phi hành gia.
Trong sứ mệnh Apollo 8 lên Mặt Trăng, một miếng đệm cao su silicon bắt đầu rò rỉ khí nghiêm trọng, làm ô nhiễm một cửa sổ quan sát lớn tạm thời không thể sử dụng được.
Để tránh các sự cố đó, ngay từ năm 1967, NASA đã thành lập các ban giám sát mùi để kiểm tra kỹ lưỡng mùi và độ thoát khí của các vật thể được gửi lên cùng với tàu vũ trụ.
Công việc này thường được thực hiện bởi từng tổ 5 người. Trước khi trải qua bài kiểm tra khứu giác, các thành viên trong tổ hội đồng sẽ được một y tá kiểm tra để đảm bảo rằng họ không bị bệnh và có khứu giác hoạt động hoàn hảo.
Mỗi thành viên sau đó sẽ được cho ngửi mùi của từng vật thể, theo phương pháp mù đôi. ” Chúng tôi không được phép nhìn thấy nó trông như thế nào trước khi ngửi thấy nó. Tôi gần như không biết gì cả. Họ không muốn chúng tôi bị thiên v ị”, Aldrich cho biết.
Sau khi ngửi mùi của vật thể, các thành viên hội động sẽ lần lượt xếp hạng mùi của nó trên thang 5 điểm từ 0 (không có mùi khó chịu) đến 4 (mùi rất khó chịu). Nếu vật thể có mùi vượt mốc 2,5 nó sẽ không thể được gửi lên ISS.
Theo Aldrich, hoạt động giám sát mùi tại NASA được thực hiện một cách thủ công trong suốt hơn 50 năm qua là vì hiện không có bất kỳ loại máy móc hay cảm biến nào có khả năng thay thế mũi của con người. Ngoài ra, chỉ có người thật việc thật mới có thể xử lý được nhiều tình huống mà mùi của một vật thể có thể bị che giấu.
Aldrich kể rằng có một lần, các thành viên trong hội đồng đã ngửi một chiếc dây dán Velcro và thấy nó khá bình thường. Nhưng sau khi họ mở miếng dán ra, một mùi hôi thối kinh khủng đã bị phát tán. Chiếc Velcro được đánh giá có độ hôi từ 3,6-3,8/4. ” Nó rất kinh tởm “, Aldrich cho biết.
Không rõ Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga có vận hành một tổ giám sát mùi khi họ gửi hàng tiếp tế lên Trạm Vũ trụ Quốc tế hay không. Nhưng Roscosmos cho biết họ đã xử lý được hoàn toàn mùi hôi trên modul Poisk và sẵn sàng mở thông cửa sập của nó với phần còn lại của ISS.
Sau quá trình mở cửa trở lại này, mùi khó chịu sẽ tiếp tục được giám sát. Còn một khả năng bỏ ngỏ là nó không đến từ hàng tiếp tế trên tàu Progress, mà từ chính các bộ phận kết nối lâu năm đã cũ kỹ trên Trạm vũ Trụ Quốc tế.
Nếu đúng như vậy thì mùi hôi này sẽ vẫn còn sau khi Progress quay trở lại Trái Đất. Các phi hành gia sẽ phải lên phương án xử lý nó, trước khi mùi hôi gây ra thiệt hại cho hiệu suất làm việc và trải nghiệm của họ trên ISS.
Nguồn tin: https://genk.vn/tram-vu-tru-quoc-te-iss-xuat-hien-mui-hoi-thoi-bi-an-20241128162717079.chn