Sau 2 ngày Tết Giáp Thìn đầu năm ‘chỉ có ăn với ngủ’, tôi quyết định ra đường để đỡ bị ‘ì người’. Cùng với một người bạn trên văn phòng, chúng tôi lượn quanh phố phường rồi trở về đường Láng để trải nghiệm ‘đường đi xe đạp đầu tiên tại Hà Nội’, mới được khai trương vào đầu tháng này.
Đường đi xe đạp nằm ở ven sông Tô Lịch, đoạn từ cầu Mọc đến cầu Yên Hòa và có tổng chiều dài là 2.7km. Con đường này dành cho tất cả người đi xe đạp, nhưng cũng có 7 điểm thuê xe đạp để những ai chưa có xe như tôi có thể thuê và ‘lượn’ khắp phố.
Gửi xe ở đoạn giao giữa đường Láng và Láng Hạ, chúng tôi đi bộ thẳng tới một điểm thuê xe để lấy 2 chiếc. Để thuê xe ở đường này ta cần một ứng dụng là TNGo trên điện thoại, sau đó đăng nhập và thực hiện nạp tiền. Sau khi đã nạp tiền và bắt đầu đi, ta sẽ quét một mã QR có trên khóa xe, sau khi bấm xác nhận thì khóa sẽ tự động mở để người dùng dắt đi.
Ứng dụng TNGo thiết lập cũng khá nhanh
Hình thức cho thuê xe này đã được áp dụng tại Hà Nội cũng được một thời gian khá lâu rồi, nhưng đây mới là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm. Những chiếc xe này có thiết kế khá thông minh, với phần yên có thể điều chỉnh độ cao nhanh bằng một cần gạt (không cần tuốc vít), đạp khá ‘trớn’ và bánh xe dạng đặc không có hơi, nên sẽ không sợ bị thủng lốp.
Được biết, tuyến đường dành cho xe đạp là một ‘mảnh ghép’ để dần hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội. Con đường này kết nối 2 nhà ga là ga S8 Cầu Giấy (Metro Nhổn – ga Hà Nội) và ga Láng (metro Cát Linh – Hà Đông) cũng như 20 tuyến xe buýt.
Nhưng có vẻ như những người đi trong con đường này cũng giống tôi, tới để đi xe đạp tập thể dục chứ không phải là đang di chuyển tới đâu cả. Đường được chia ra làm 3 làn, 2 làn xe đạp ngược chiều ở bên ngoài và một làn nữa cho người đi bộ, với mỗi làn chỉ rộng 1m nên chỉ nên đi 1 hàng xe mà thôi.
Ưu điểm của việc đi xe đạp hoặc đi bộ trong cung đường này đó là không phải ‘chen lấn’ với xe máy và ô tô, tránh tắc đường cũng như đảm bảo an toàn. Có lẽ những ai sống ở Hà Nội cũng biết rằng đường Láng là một trong những con đường nổi tiếng về việc tắc đường, giờ những ai đi xe đạp đã có một ‘lối đi riêng’ cho mình rồi!
Tuyến đường này cũng có những biện pháp để không cho xe máy, xe ô tô đi vào. Ở những đoạn giao nhau (cắt với những đường khác) sẽ có chỗ để vào đường, được đặt những chướng ngại vật mà chỉ người đi xe đạp mới có thể dắt qua được, đi xe máy thì dù có ‘tay lái lụa’ đến đâu cũng phải bó tay.
Đi đúng là phải ‘lượn vòng’ theo những thanh chướng ngại vật, nhưng ai có xe đạp nhẹ thì có thể nhấc luôn qua cũng được!
Đường nhìn chung cũng khá đẹp, không có các ‘ổ trâu, ổ gà’ lớn, chỉ có một vài ‘bãi mìn’ do các chú cún để lại chưa được dọn hay 1 số đoạn được lát lại bằng xi măng thì hơi gồ ghề nhẹ. Bên cạnh đó như đã đề cập, đường có những đoạn cắt nên ta sẽ phải xuống xe, dắt qua đường để đi tiếp chứ không ‘thẳng tuột’ hết 2.7km.
Đường nhìn chung là bằng phẳng, chỉ có 1 số đoạn lát lại bằng xi măng thì hơi gồ ghề nhẹ
Nhược điểm lớn nhất, có lẽ nhiều bạn cũng đã nhận ra đó là con đường này nằm ngay sát con sông Tô Lịch, đã trở thành ‘huyền thoại’ về độ bẩn và mùi hôi. Trời Hà Nội hiện nay đang khá mát, nên chỉ đi tới 1 số đoạn nhất định tôi mới ngửi thấy mùi từ sông bốc lên. Nhưng khi tới mùa nóng thì chắc chắn tình trạng này sẽ tệ hơn rất nhiều.
Sau khi ‘lượn’ một vài vòng tại đây, tôi cho rằng đây là một ý tưởng hay cần nhân rộng. Có một không gian riêng để người đi xe đạp không phải ‘chung đụng’ với những phương tiện khác luôn là điều tốt. Tuy vậy nếu có những điểm khác không nằm ngay cạnh sông Tô Lịch thì sẽ tốt hơn!
Cá nhân tôi vẫn đánh giá con đường xung quanh Hồ Tây là địa điểm tốt nhất cho những người đi xe đạp để tập thể dục. Đường này thường ít các phương tiện giao thông, khá sạch sẽ và đã có ‘văn hóa xe đạp’ với rất nhiều câu lạc bộ đạp xe, địa điểm bán và sửa chữa xe đạp.
Nguồn tin: https://genk.vn/mung-3-tap-the-duc-tieu-banh-chung-trai-nghiem-pho-xe-dap-dau-tien-tai-ha-noi-20240212161415491.chn