Europa là hành tinh vệ tinh thứ sáu, tính theo quỹ đạo từ trong ra ngoài của Sao Mộc. Nơi đây còn thường được gọi là Mặt Trăng băng giá của Sao Mộc.
Sau khi nghiên cứu những hình ảnh được chụp bởi tàu thăm dò Juno, các nhà nghiên cứu của NASA đã phát hiện ra một số đặc điểm hấp dẫn trên mặt trăng Europa. Họ chỉ ra rằng thế giới băng giá này hoạt động tích cực hơn những gì chúng ta nghĩ trước đây.
Tàu thăm dò Juno đã bay ngang qua Europa và chỉ cách bề mặt của nó chỉ 355 km. Điều này cho phép Juno có thể chụp được những bức ảnh bề mặt mặt trăng có độ phân giải cao đầu tiên kể từ sứ mệnh Galileo (năm 2000).
Hình ảnh Europa do tàu vũ trụ Juno chụp trong chuyến bay ngang qua vào tháng 9 năm 2022.
Bằng cách phân tích hình ảnh của các vùng xích đạo, cùng với các khối băng, tường, rặng núi và vùng trũng dự kiến, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy những vùng trũng có thành dốc phân bố không đều với chiều rộng từ 20 đến 50 km.
Chúng trông giống những cái hố lớn hình quả trứng trước đây từng được ghi lại trong các bức ảnh chụp các khu vực khác của Europa.
Theo niềm tin phổ biến của giới nghiên cứu, có một đại dương khổng lồ ẩn dưới bề mặt của Europa. Đồng thời, lớp vỏ băng giá của mặt trăng không hề có mối liên hệ nào với lớp đáy.
Trên thực tế, nó vẫn trôi nổi tự do và chuyển động. Điều này dẫn đến mức độ căng thẳng cao và tạo ra những đứt gãy đặc trưng giống như những đứt gãy mà Juno đã chụp được ở Nam bán cầu.
Trong lần này, tàu thăm dò Juno đã chụp được một đối tượng rất hấp dẫn khác trên bề mặt Europa.
Trên một phần bề mặt của Europa, hình chữ nhật màu xanh tượng trưng cho một sườn núi đôi với các đốm đen, hình chữ nhật màu cam tượng trưng cho một hình dạng bất thường, đã nhận được biệt danh là “thú mỏ vịt”.
Kích thước của “thú mỏ vịt” là 37km x 67km. Nó có phần chú ý nhất là một vùng uốn cong hỗn loạn với các gò, đường gờ với màu nâu đỏ sẫm và là vật thể “trẻ” nhất trong khu vực này.
Phần phía bắc và phía nam của “thú mỏ vịt” được nối với nhau bằng một phần “cổ”, làm gián đoạn địa hình xung quanh bằng bề mặt ma trận gập ghềnh chứa nhiều khối băng rộng từ 1 đến 7 km.
Nhóm hoạt động trên Juno tin rằng những thành tạo có thể là lớp cặn từ những dòng nước mặn dâng lên trên bề mặt từ đại dương bên dưới Europa.
Cách “thú mỏ vịt” khoảng 50km về phía bắc là một loạt các rặng núi đôi, hai bên là các điểm tối tương tự như những điểm được tìm thấy ở những nơi khác trên Europa. Tất cả những điều này đã bổ sung thêm cho niềm tin của NASA về một đại dương đang luân chuyển bên dưới bề mặt Europa.
Sự chuyển động của cấu trúc này cũng gợi ý việc mặt trăng Europa không phải một thế giới chết, mà trái lại luôn vận hành giống như địa cầu, điều giúp nó có khả năng nuôi dưỡng sự sống.
Ngoài ra, đây có thể là khu vực giúp các tàu săn tìm sự sống tiếp cận được nước mang vật chất xì lên từ đại dương ngầm, vốn có thể cung cấp bằng chứng về các sinh vật tiềm năng bên dưới.
Những tài liệu do Juno cung cấp lần này sẽ được sử dụng để lập kế hoạch cho sứ mệnh Europa Clipper, nhằm khám phá thế giới khác thường này một cách chi tiết hơn. Thời điểm bắt đầu của dự án được lên kế hoạch diễn ra vào mùa thu năm 2024.
Nguồn tin: https://genk.vn/tau-tham-do-cua-nasa-chup-duoc-nhung-buc-anh-ve-thu-mo-vit-ngoai-hanh-tinh-20240601111420212.chn